Quyết định tăng giá nhiên liệu được trợ cấp lên 30% của chính phủ Indonesia đang khiến nhiều doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs), trong đó có các doanh nghiệp du lịch nước này lo ngại. Quyết định có thể làm suy giảm hoạt động đi lại, tiêu thụ năng lượng của người dân, vốn có liên hệ chặt chẽ với ngành kinh tế sáng tạo và du lịch.

Bộ trưởng Bộ Du lịch và Kinh tế Sáng tạo Indonesia - ông Sandiaga Uno thừa nhận tác động của quyết định này và ước tính giá cả các sản phẩm kinh tế sáng tạo có thể tăng từ 10% đến 20%. Tăng giá nhiên liệu cũng có thể khiến du khách phải tăng khoảng 10% chi phí khi đi du lịch. Trong khi đó, tỷ lệ đặt phòng tại các khách sạn, nhà nghỉ bình dân có thể giảm khoảng 5%. Các khách sạn xếp hạng “sao” thường đón khách trung lưu và cao cấp sẽ chịu ảnh hưởng ít hơn.

Theo Bộ trưởng Sandiaga Uno, để giảm tác động tiêu cực, phương hướng đầu tiên là đưa ra hướng dẫn giúp các thành phần tham gia vào ngành du lịch, kinh tế sáng tạo ở cấp siêu nhỏ, nhỏ và vừa quản lý hoạt động tài chính tốt hơn. Tiếp đó, cần khuyến khích loại hình du lịch theo sở thích có khả năng giảm việc tiêu thụ nhiên liệu xăng dầu, chẳng hạn như du lịch thể thao gồm các cuộc thi chạy bộ, chạy marathon…

Cuối cùng, ngành du lịch và kinh tế sáng tạo cần quan tâm chuyển đổi việc sử dụng năng lượng hóa thạch sang các nguồn năng lượng có khả năng tái tạo như năng lượng mặt trời, điện… Theo đó, các doanh nghiệp kinh tế sáng tạo, gồm doanh nghiệp trong ngành du lịch, có thể cắt giảm chi phí hoạt động bằng cách chuyển sang sử dụng các loại ô tô có động cơ tiêu thụ ít nhiên liệu hoặc thậm chí xe điện.

Tại Bali – một trong những điểm đến du lịch nổi tiếng nhất của Indonesia, chính quyền địa phương cũng đang chuẩn bị các làn đường dành riêng cho xe điện ở nhiều điểm tham quan. Ông Ida Bagus Ngurah Arda, người đứng đầu Sở Nhân lực, Năng lượng và Khoáng sản Bali, khẳng định sáng kiến này không chỉ giúp bảo vệ môi trường mà còn mang lại lợi ích kinh tế cho người dân trong bối cảnh giá nhiên liệu tăng./.