Có thể thấy, năm 2023 là năm đánh dấu sự chuyển mình của du lịch Cần Thơ trong cách tiếp cận du khách bằng cách liên kết, quảng bá “chéo” sản phẩm du lịch đặc trưng từng địa phương. Qua từng sự kiện, nhiều doanh nghiệp từ các tỉnh/thành và của TP. Cần Thơ đã kết nối và mở rộng thị trường.

Theo bà Đào Thị Thanh Thúy - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cần Thơ, thành phố hiện đã ký kết, hợp tác về du lịch với hơn 20 tỉnh/thành, 53 cổng thông tin về du lịch của các tỉnh/thành trên cả nước; từ đó kết nối hỗ trợ thông tin về các điểm đến, sản phẩm du lịch, dịch vụ du lịch giữa các địa phương.

"Đây là một trong những hoạt động chúng tôi thấy có sự gắn kết, kết nối sự phát triển du lịch. Người dân nơi khác đi đến Cần Thơ cũng rất thích mô hình du lịch vùng sông nước như: tham quan chợ nổi Cái Răng, vườn cây ăn trái,… Với những điều kiện giao lưu như vậy thì sự kết nối về văn hóa, du lịch sẽ làm ngành du lịch các bên phát triển hơn", bà Đào Thị Thanh Thúy cho biết.

Mỗi sự kiện quảng bá, xúc tiến du lịch tại Cần Thơ đều được các tỉnh/thành lên kế hoạch kỹ càng, với nhiều hoạt động đặc sắc như: biểu diễn nghệ thuật; giới thiệu nhạc cụ và giao lưu, hướng dẫn múa truyền thống; trình diễn, hướng dẫn nghệ thuật làm món ăn truyền thống, sản phẩm thủ công truyền thống, gian hàng sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc thù... 

Tổ chức sự kiện Tuần Du lịch - Văn hóa Tây Bắc tại TP. Cần Thơ vào trung tuần tháng 4/2023, ông Hà Văn Thắng - Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Lào Cai nhận định, vì nguồn tài nguyên du lịch về tự nhiên không giống nhau, các sản phẩm dịch vụ du lịch có nét đặc trưng hấp dẫn riêng, nên chương trình liên kết tạo lợi thế rất lớn để thu hút, khai thác dòng khách đối lưu hỗ trợ cho nhau cùng phát triển.

"Có thể đưa văn hóa vùng miền ở đây là những giọng hò, điệu lý của người Nam bộ, miền sông nước lên tới Lào Cai để đổi mới sản phẩm, hoặc chúng tôi sẽ đưa những đoàn nghệ thuật dân tộc của tỉnh Lào Cai về đây giao lưu và chúng ta có thể gắn kết, tạo ra những sản phẩm rất đặc biệt", ông Hà Văn Thắng cho biết.

Trước đó, Cần Thơ cũng là địa điểm diễn ra Hội nghị Xúc tiến, liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa tỉnh Lâm Đồng với TP. Cần Thơ và tỉnh Đồng Tháp, Hội nghị Xúc tiến du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng - Vương quốc hang động và gần nhất là Ngày Văn hóa, Du lịch Ninh Thuận tại Cần Thơ với chủ đề “Ninh Thuận - Miền đất hội tụ những giá trị khác biệt”… Những sự kiện trên đều tạo sự hứng khởi khám phá thêm văn hóa vùng miền cho người dân. "Tuy chưa có dịp đi Tây Bắc lần nào nhưng mà thông qua hoạt động, sự kiện này, tôi đã có thể hình dung ra được Tây Bắc như thế nào. Hy vọng sẽ có thêm nhiều tỉnh, thành quảng bá văn hóa, du lịch ở Cần Thơ", một người dân Cần Thơ cho biết.

Việc quảng bá, liên kết du lịch giữa các tỉnh/thành còn tạo tiền đề cho các công ty, doanh nghiệp lữ hành thay đổi tư duy, tạo ra nhiều tour – tuyến cũng như phương thức di chuyển thuận lợi nhất cho du khách. Ông Hà Văn Siêu, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đánh giá: "Chính những sự kết nối này tạo ra những cơ hội để các doanh nghiệp du lịch tìm hiểu lẫn nhau, tìm ra những cơ hội để đầu tư để phát triển nhiều sản phẩm, chương trình du lịch kết hợp mới".

Bà Lê Đình Minh Thy, Giám đốc Vietravel – chi nhánh Cần Thơ cho biết, công ty đã khôi phục lại các văn phòng giao dịch ở vùng ĐBSCL để thuận tiện việc đăng ký cho khách hàng. Sau thời gian "ngủ đông", có thể thấy liên kết giữa các địa phương phần nào giúp doanh nghiệp lữ hành hoạt động hiệu quả hơn.

"Việc các tỉnh thành đi xúc tiến, kết nối như vậy không chỉ quảng bá được hình ảnh trực tiếp đến các doanh nghiệp khai thác lữ hành như chúng tôi, mà cũng là một cách tìm hiểu được sâu hơn tiềm năng phát triển của các địa phương đó. Trong năm 2023, chúng tôi thấy có rất nhiều đoàn xúc tiến từ phía Bắc, miền Trung rồi Tây Nguyên đến với Cần Thơ và ĐBSCL. Đây cũng là một tín hiệu tốt cho thấy ĐBSCL có những sản phẩm mới trong thời gian gần đây. Chắc chắn trong năm 2024, chúng tôi ở góc độ là công ty lữ hành cũng sẽ nghiên cứu đưa ra những sản phẩm trao đổi khách giữa ĐBSCL với các tỉnh/thành đến xúc tiến tại Cần Thơ", bà Lê Đình Minh Thy cho biết.

Báo cáo từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cần Thơ, năm 2023, tổng số khách tham quan, du lịch đến thành phố đạt gần 6 triệu lượt, tăng 17% so với cùng kỳ, đạt 115% kế hoạch năm. Khách du lịch lưu trú đạt khoảng 3 triệu lượt, tăng 19% so với cùng kỳ, đạt 110% kế hoạch năm. Tổng thu từ du lịch đạt 5.420 tỷ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ, đạt 118% kế hoạch năm.

Đạt được con số ấn tượng này, theo ông Nguyễn Thực Hiện, Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ, trong quá trình hợp tác phát triển, các địa phương đã xây dựng kế hoạch để có thể khai thác hiệu quả bản sắc vùng miền và tạo ra được những tour - tuyến du lịch độc đáo theo đặc trưng riêng: "Nguyên nhân đạt được nhờ sự quan tâm của lãnh đạo Thành ủy và chỉ đạo sâu sát của UBND thành phố cùng sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các địa phương để làm sao phát triển du lịch trong tình hình mới. Đặc biệt ở đây ngành văn hóa cũng xây dựng Đề án để thực hiện tốt Nghị quyết số 10 của BTV Thành ủy, đến năm 2025 ngành du lịch của Cần Thơ phải cơ bản trở thành kinh tế mũi nhọn".

Cần Thơ là trung tâm của ĐBSCL, việc liên kết, hợp tác phát triển du lịch giữa các địa phương từ Bắc vào Nam hứa hẹn tạo ra những dòng khách, chuỗi sản phẩm du lịch đa dạng, độc đáo. Năm 2024, Cần Thơ sẵn sàng tiếp tục hỗ trợ các tỉnh/thành trong liên kết, xúc tiến, quảng bá du lịch, với mong muốn các địa phương sẽ cùng đạt mục tiêu mở rộng thị trường, nâng cao vị thế và phát triển du lịch bền vững.