Buổi sáng đầu xuân, trời Sapa sì sầm trong mưa phùn, gió bấc và dày đặc sương mù. Bước xuống cửa xe khách, chạm ngay phải cái lạnh tê cóng. Mũ len, khẩu trang, găng tay chụp kín từ đầu đến chân vẫn không chốn chạy được cái khắc nghiệt của thiên nhiên. Mấy giờ sau, bầu trời bỗng rực nắng, phủ lên phố núi một màu vàng óng ả, tinh khiết. Sapa vừa đỏng đảnh, vừa quyến rũ đến mê hồn.

Vũ điệu của những sắc màu

Chẳng phải là năm nay thời tiết thất thường, mà Sapa vẫn thế. Sáng mưa, trưa hửng, chiều vàng, tối mù sương. Tiết bốn mùa xuân, hạ, thu, đông quay vòng nhanh đến lạ. Từ trên núi Hàm Rồng phóng tầm mắt ra xa, nơi đây như một sân khấu khổng lồ với muôn vàn những vũ điệu kỳ ảo của mây. Mây phủ quanh ngọn núi Phan-xi-păng như dải băng tuyết cuốn vào núi Phú Sỹ của Nhật Bản.

Sapa2.jpg

Mây lấp đầy, san phẳng những thung lũng sâu hút hút, biến những ngọn núi cao thành những hòn đảo nồi giữa biển mây trập trùng, dậy sóng. Và đất trời bỗng nhoà đi khi những cơn “sóng mây” ập tới. Lạ thay, sau cái màn biểu diễn “trời đất giao hoà” trong khoảnh khắc, “sóng” bỗng yên, “biển” bỗng lặng, như có một mệnh lệnh vô hình, sắp đặt mây ra mây, núi ra núi trên nền trời xanh ngắt, nét như tranh.

Buổi chiều, khi ngọn Phan-xi-păng “nuốt chửng” ông mặt trời vào lòng núi thì cũng là lúc xuất hiện một dòng sông mây phun trào, đỏ rực, chẳng khác gì dòng nham thạch phun ra từ núi lửa. Dòng sông đỏ ấy lập tức trở thành “miếng mồi” ngon cho những tay săn ảnh chuyên nghiệp, vì nó quá giống hình ảnh một con rồng đang phun nước. Đúng là một điềm báo tốt lành cho mùa màng tươi tốt, cho sự an lành, thịnh vượng trong năm Nhâm Thìn này.

Cùng với sắc màu của mây, của núi, của trời đất, của hoa lá, cỏ cây, Sapa lại càng kiều diễm hơn bởi choáng ngợp màu sắc của áo quần, trang phục đồng bào các dân tộc nơi đây như H’Mông, Dao, Dáy…

Tôi đã được đi nhiều nơi, nhưng chưa thấy nơi nào mà đồng bào lại trưng diện đồng phục dân tộc một cách kỷ cương như vậy. Màu chàm, màu đỏ của áo quần tràn ngập thị trấn Sapa. Từ những người già nhất đến những em bé nhỏ tí xíu như “cái kẹo” đều tuân thủ rất nghiêm ngặt văn hoá “che đậy cơ thể” rất cầu kỳ từ đầu đến chân và đặc sắc đến từng hoạ tiết hoa văn, đến từng đường kim, mũi chỉ.

Chính sự lao động cần mẫn, miệt mài và kiên nhẫn đến lạ thường của đồng bào đã sáng tạo nên những sản phẩm có sức sống mãnh liệt, làm mê hồn du khách như các đồ hàng thổ cẩm, tranh thêu và lớn hơn là những “tác phẩm nghệ thuật” ruộng bậc thang, trở thành di sản văn hoá của nhân loại.

Tại xã Tả Phìn đã thành lập cả một câu lạc bộ dệt thổ cẩm với gần 200 hội viên. Chị Lý Mẩy Chạn, chủ nhiệm câu lạc bộ, người Dao đỏ vừa dẫn chúng tôi tham quan cơ sở vật chất vừa trả lời điện thoại, nhanh nhẹn, sành điệu như một “bà chủ”. Chị khoe, “năm nay mình đã có được một hợp đồng ký với công ty Craftlink ở Hà Nội trị giá hơn trăm triệu rồi. Anh chị em trong câu lạc bộ vui lắm vì vừa đi làm nương rẫy để có gạo, có ngô lại vừa làm thổ cẩm để có tiền nuôi con cái học hành”.

Văn hoá lễ hội chính là những “sản phẩm du lịch” đặc sắc nhất ở Sapa. Xã Tả Van, cách trung tâm thị trấn chừng hơn chục cây số, là nơi quần tụ của nhiều dân tộc anh em như Dáy, H’Mông, Dao đỏ. Đây là một thung lũng rộng, có trục trung tâm là suối Mường Hoa. Hai bên bờ suối là hàng trăm phiến đá cổ, với những hoạ tiết, bút tích của loài người cổ xưa.

Có lẽ vì vậy, lễ hội nơi đây cũng có nhiều nét rất đặc sắc mà ít nơi có được. Đó là lễ hội “Nhặn sồng” (không phá rừng) của đồng bào Dao đỏ ở làng Giàng Tả Chải thuộc xã Tả Van. Lễ hội chủ yếu để phổ biến những quy ước rất cụ thể của làng trong việc khai thác hợp lý những sản vật của rừng và bảo vệ rừng, nhưng đã được “linh thiêng” hoá với sự chứng giám của “thần linh thổ địa” ở vùng đất này. Lại còn có lễ hội “Roóng Poọc” của người Giáy để cầu mùa màng bội thu, người yên, vật thịnh. Lễ hội Gầu tào của người H’Mông để cầu phúc, cầu mệnh…

Mua vé vào làng để xem… chèo kéo

Sapa có nhiều “sản phẩm du lịch” đặc sắc như vậy, thế nhưng “nàng Sapa” dường như vẫn “trưa chẳng vội, tối chẳng cần”,  đỏng đảnh lắm!

Có lẽ Sapa là nơi duy nhất coi đơn vị làng là một “sản phẩm du lịch” nên cứ vào làng là phải mua vé. Giá vé vào mỗi làng lại khác nhau. Vào làng Cát Cát, người lớn 20.000, trẻ em 10.000; vào Lao Chải, Tả Van thì đắt hơn, người lớn 40.000 đồng. Vào làng Tả Phìn xa hơn thì cơ chế cũng thoáng hơn, người lớn 20.000, còn trẻ em có thể “xin” đi qua được.

Hôm chúng tôi đến Tả Phìn, xe vừa dừng lại đã có đến cả chục người, hầu hết là phụ nữ, lưng địu con hoặc mang gùi, tay cầm một số sản phẩm thêu, dệt, xô đến. Màn mời chào, chèo kéo “nhiệt tình” và “cần mẫn” đeo đẳng theo đoàn chúng tôi suốt chặng đường hàng cây số từ trung tâm xã vào đến động đá Tả Phìn. Vừa đi, họ vừa chào hàng, vừa vuốt ve, vỗ về, vừa nỉ non với du khách nghe đến mủi lòng. Ngay cả lúc “lì xì” rồi mà “đâu vẫn đóng đấy”.

Ở Tả Phìn có một địa chỉ mà du khách thường tới là khu hang động Tả Phìn. Đây là khu động đá được cho là còn nhiều bí ẩn, với đường đi nhỏ, hẹp, rích rắc và nhiều nhũ đá đẹp hình tiên sa, hình mẹ bồng con, hình mâm xôi và nhiều đăng ten nhũ đá. Nhưng khi vừa vào đến cửa hang thì được biết, người hướng dẫn tham quan động đi vắng nên không bật được đèn điện để vào hang. Đành phải quay ra.

Đến xã Tả Van, nơi có “bảo tàng” đá cổ nổi tiếng, nơi có gần 200 trăm phiến đá cổ có khắc hoạ hoa văn, chữ viết của người tiền sử, nhưng thực tế chỉ mới làm đường đi được tới vài vị trí. Phòng trưng bày di tích đá cổ được xây dựng khá rộng rãi, ở một vị trí đẹp sát bên con đường chính đi vào trung tâm xã, nhưng khi vào trong thì trang trí rất sơ sài, trống huơ, chẳng có ai hướng dẫn, thay vào đó là một tốp thanh thiếu niên thản nhiên đá cầu ngay giữa nhà, xô cả vào khách tham quan. Và tất nhiên chúng tôi không thể trốn được động tác “lì xì” đầu xuân để tự “giải vây” khỏi đám đông “tháp tùng” trên suốt hành trình.

Hầu hết những ai lần đầu đến Sapa đều không thể hình dung hết các lộ trình, tua tuyến du lịch ở đây. Tiếc thay, tại những nơi công cộng ở trung tâm thị trấn, khó có thể tìm thấy một bảng chỉ dẫn, thông tin, quảng bá, giới thiệu về các “đặc sản” ở phố núi này.

Có lẽ Cát Cát là làng duy nhất ở Sapa thấy được sự hiện diện của các nhà tổ chức du lịch ở địa phương. Đường đi trong làng được lát đá, làm bậc thang kéo dài tới thung lũng suối Tiên Sa. Đường tuy nhỏ, nhưng chắc chắn và hai bên đường có các phòng trưng bày các sản vật địa phương, như tranh thêu, các cỗ máy dệt cổ. Đặc biệt có nhà biểu diễn văn nghệ miễn phí để phục vụ du khách bên cạnh thác Tiên Sa kiều diễm.

Thật ghen tị với những gì thiên nhiên ban tặng cho Sapa. Tôi đã đi Sapa vài lần rồi, những vẫn muốn trở lại. Có lẽ tôi đã “phải lòng” Sapa. Phải lòng vì cái  “đỏng đảnh” của thời tiết, phải lòng vì cái chất xù xì trên thân cây đào cổ, và sự kiên nhẫn đến lạ lùng trên từng đường kim mũi chỉ của những chủ nhân nơi đây. Sapa đỏng đảnh, kiều diễm, đáng mê là thế, nhưng chẳng ai muốn ngành du lịch Sapa lại đỏng đảnh như thế chút nào./.