Thành phố Hạ Long tỉnh Quảng Ninh đang triển khai dự án di dời các làng chài trên vịnh Hạ Long vào bờ tái định cư, nhằm hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường, sắp xếp lại lao động, ngành nghề, xây dựng sản phẩm mới, đảm bảo mục tiêu bảo tồn, phát huy giá trị di sản để phát triển du lịch thành một ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, xứng đáng với tầm vóc, ý nghĩa của Kỳ quan thiên nhiên thế giới. BTV Vân Thiêng có bài bình luận: “Làm du lịch bền vững trên vịnh Hạ Long”.

Đi du lịch Quảng Ninh, du khách không chỉ được tham quan quần thể đảo đá, hang động lung linh kỳ thú; được đắm mình trong những bãi biển mịn màng, thơ mộng, mà còn thích thú hơn khi có dịp trải nghiệm cuộc sống sinh hoạt của ngư dân khi tham quan các làng chài Vung Viên, Cửa Vạn, Cống Đồng....

vinh-ha-long-1.jpg

Du khách được lênh đênh trên những chiếc thuyền nan cùng các chàng trai, cô gái làng chài, xem người dân nuôi cá lồng bè, nuôi trai lấy ngọc. Đêm ở lại làng chài nghe trai gái làng hát giao duyên, cùng ngư dân thắp đèn câu cá, câu mực, rồi chế biến sản phẩm do mình câu được góp vui cho bữa rượu khuya.

Hoạt động du lịch đã góp phần tạo thêm công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương thông qua hoạt động đưa và hướng dẫn khách tham quan, bán sản phẩm, quá lưu niệm.... đồng thời gắn kết du khách với cộng đồng thông qua các hoạt động vớt rác trên biển, trông rừng ngập mặn...      

Tuy nhiên, việc khai thác du lịch trên cơ sở những làng chài sẵn có đã mang lại nhiều hệ lụy. Thói quen lênh đênh sóng nước, trình độ dân trí thấp, lao động giản đơn, nếp sinh hoạt tạm bợ hình thành từ lâu đời đang tác động tiêu cực đến chất lượng sản phẩm du lịch, gây ô nhiễm môi trường.

Trở thành Kỳ quan Thiên nhiên Thế giới, việc bảo tồn giá trị kỳ quan phải được đặt lên hàng đầu. Môi trường vịnh từ vành đai, vùng đệm đến vùng lõi đều phải được bảo vệ một cách nghiêm ngặt, trong đó, giải tỏa hơn 700 nhà bè, nhà nổi của gần 650 hộ dân với hơn 2.500 nhân khẩu đang sinh sống, làm ăn trên vịnh là một yêu cầu bức thiết.

Ông Đào Xuân Đan- Chủ tịch UBND thành phố Hạ Long khẳng định: Việc làm này ngoài mục tiêu bảo vệ môi trường bền vững, còn có ý nghĩa hết sức quan trọng là sắp xếp chỗ ở ổn định, bảo vệ an toàn tính mạng nhân dân trong mùa mưa bão.

Đời sống nhân dân cũng sẽ được cải thiện thông qua việc hỗ trợ đào tạo nghề, chuyển đổi việc làm cho lực lượng lao động trẻ, qui hoạch lại nghề nuôi trồng thủy sản, làm dịch vụ du lịch trên vịnh trên cơ sở giữ vững môi trường cảnh quan, hệ sinh thái động thực vật, tính đa dạng các giá trị địa chất địa mạo của di sản. 

Dự án xây dựng khu tái định cư tại phường Hà Phong đang được thành phố Hạ Long khẩn trương thực hiện với nhiều chính sách ưu đãi đặc biệt về nhà ở, hỗ trợ đào tạo nghề, chuyển đổi việc làm... cho dân.

Mục tiêu tích cực của dự án là điều không thể phủ nhận. Những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực thi là điều không thể tránh khỏi. Nhất là khi công việc ấy đụng chạm đến thói quen sinh hoạt, công ăn việc làm... của hàng ngàn nhân khẩu gồm nhiều thế hệ sinh sống trên vịnh. Vì thế, đây đó vẫn còn những ý kiến chưa đồng lòng.

167 tỉ đồng để xây dựng khu tái định cư là số tiền lớn, tỉnh Quảng Ninh sẽ lo được. Nhưng sự đồng thuận xã hội thì không thể mua bằng tiền. Mà chỉ có thể là kết quả của tinh thần đoàn kết nhất trí, sự chung tay của cả hệ thống chính trị ở thành phố Hạ Long và tỉnh Quảng Ninh, là sự đồng lòng của cộng đồng dân cư và các doanh nghiệp du lịch ở đây.    

Còn nhớ, tại Hội thảo "Bảo tồn và phát huy các giá trị di sản thế giới Vịnh Hạ Long - Tầm nhìn mới”, ông Nguyễn Văn Tuấn - Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch đã thừa nhận: “Cách tổ chức du lịch ở vịnh Hạ Long hiện nay cơ bản vẫn giống với… 15 năm trước, ngoại trừ chất lượng tàu tốt hơn và thêm cảng tàu quốc tế Tuần Châu!”

Vịnh Hạ Long đang có trong tay một thế lợi lớn khi sở hữu nhiều danh hiệu tầm cỡ quốc tế. Những lợi thế đó chỉ phát huy hiệu quả nếu biết làm du lịch một cách chuyên nghiệp. Trong rất nhiều nỗ lực của chính quyền và ngành du lịch địa phương thì việc di dời dân làng chài trên vịnh Hạ Long vào bờ sẽ từng bước lập lại an ninh trật tự, bảo vệ môi trường sinh thái, hình thành sản phẩm du lịch mới đồng thời với nâng cao chất lượng dịch vụ.

Phát triển du lịch trong mối quan hệ sẻ chia với cộng đồng, sẻ chia lợi nhuận và sẻ chia trách nhiệm để gắn kết cộng đồng dân cư với việc bảo tồn, phát huy những giá trị quí báu của di sản là một cách làm du lịch bền vững và thông minh. Đặc biệt là khi vịnh Hạ Long đã trở thành 1/7 Kỳ quan Thiên nhiên Thế giới./.