Trời vẫn còn tờ mờ sương, khi những người khách còn đang say ngủ thì vợ chồng ông Hoàng Mục ở Tả Van, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai đã lục tục dậy quét tước nhà cửa, thổi lại những viên than ủ trong chậu cho thật hồng, cời bếp nhóm lửa chuẩn bị bữa sáng cho mười mấy con người từ nơi xa xứ mới tới. Cô con gái út ở nhà bên cạnh cũng chạy sang đỡ đần bố mẹ một chân một tay, mỗi người một việc, như thể đã được lập trình sẵn.

 a_assd.jpgCăn nhà của ông Hoàng Mục

Đều đã bước sang tuổi 70, nhưng vợ chồng ông Mục dường như đã quen với việc tiếp và phục vụ khách hàng ngày. Công việc bận rộn, nhưng lúc nào trong nhà cũng rộn rã tiếng cười. Tết Nguyên đán đang đến gần, nhà ông chuẩn bị sẵn một đống củi to để vừa đun vừa sưởi trong cả Tết, những đôi đũa mới vót cũng đã được nhuộm đỏ cho năm mới.

Anh Rasmus, một du khách Đan Mạch nghỉ lại tại nhà ông Mục từ đêm hôm trước chia sẻ: “Ấn tượng đầu tiên khi tôi sang đây là gia đình chủ nhà rất vui vẻ. Địa điểm ở đây cũng rất hay, phù hợp với đi bộ từ Sa Pa xuống. Từ Tả Phìn xuống đây tôi cảm nhận mọi thứ được sắp xếp tốt chu đáo hơn, chất lượng cũng tốt hơn”.

Gia đình ông Hoàng Mục chính là hộ đầu tiên làm du lịch cộng đồng ở Tả Van. Ngôi nhà ông đang ở và kết hợp làm du lịch được dựng từ năm 1930, đến nay gần như vẫn còn nguyên bản. Ngôi nhà sàn bằng gỗ cổ kính, mọi ngóc ngách được quét dọn sạch sẽ, bên dưới chính giữa làm gian khách, hai bên có hai buồng ngủ, hông bên trái là gian bếp, công trình phụ riêng biệt ở bên ngoài. Bên trên sàn nhà tất cả đều bố trí thành giường ngủ san sát nhau. Nhà ông có tổng cộng 17 giường, trung bình mỗi tháng nhà ông đón khoảng 50 khách tới thăm và nghỉ lại, thu nhập mang lại từ du lịch khoảng 10 triệu đồng/tháng.

Du khách dùng bữa tại gia đình

Ông Mục chia sẻ: “Đến đây thì chỗ ăn, chỗ ở, chỗ vệ sinh, môi trường xung quanh sạch sẽ. Thỉnh thoảng, tôi giới thiệu ẩm thực của người dân tộc mình. Hầu hết khách đều rất vui vẻ. Có những du khách quay lại hai ba lần”.

Nhà ông Mục bắt đầu làm dịch vụ du lịch từ năm 1997. Khi ấy tới Tả Van chỉ có đường đất, đi lại khá khó khăn. Có lần, những người khách đi du lịch khám phá để nghị ông bà cho ăn uống và nghỉ lại tại nhà, ông bà đồng ý, coi họ thân thiết như những người bạn thân từ xa tới. Dần dà, những vị khách như vậy cứ thế tìm đến, cả người lạ và người đã quen. Ban đầu khi mới làm du lịch, nhà ông thiếu đủ thứ, từ ấm chén, bát đĩa đến giường chiếu, chăn màn. Cứ có khách tới là lại phải chạy sang nhà con gái mượn thêm bát, tối đến chẳng có giường, khách toàn phải chui vào túi ngủ và nằm dưới đất.

Cứ thế qua nhiều năm tháng làm du lịch như vậy, gia đình ông Mục có kinh nghiệm phục vụ khách ngày một tốt hơn, khách tới cũng ngày một đông hơn, nhờ đó kinh tế gia đình cũng khấm khá lên. Nhà ông có cả thảy 10 người con, tất cả đều đã phương trưởng. Có người lập gia đình, dựng nhà ra ở riêng cũng theo bố mẹ làm du lịch.

Những căn nhà này đều cung cấp dịch vụ homestay cho du khách

Chị Hoàng Thị Sen, con gái ông Mục chia sẻ: “Khách muốn xuống đây trải nghiệm, cùng ngồi nấu ăn, nói chuyện hòa đồng cùng gia đình. Đến gia đình thì tôi nấu các món truyền thống để khách thưởng thức, mặc trang phục dân tộc, giữ bản sắc của người dân tộc ở dưới bản”.

Xã Tả Van nằm lặng lẽ giữa thung lũng Mường Hoa, gồm 7 thôn bản với hơn 700 nóc nhà của các dân tộc Mông, Giáy và Dao cùng sinh sống. Hiện nay, toàn xã Tả Van có gần 50 hộ cung cấp dịch vụ nghỉ tại nhà cho du khách. Năm 2014 có khoảng 20.000 du khách tới tham quan và nghỉ lại tại các hộ gia đình này.

Ông Lù Văn Khuyên, Trưởng phòng Thông tin – Văn hóa huyện Sa Pa cho biết: “Du lịch là điểm mạnh của xã Tả Van, huyện Sa Pa. Về tổ chức dịch vụ đón khách, Tả Van có dịch vụ homestay rất tốt. Hoạt động du lịch của Tả Van đã có từ lâu, hiện nay công tác quản lý du lịch tốt hơn so với các xã khác”.

Du lịch cộng đồng khá phát triển ở Tả Van

Từ thị trấn Sa Pa, để xuống xã Tả Van, du khách phải đi trên con đường nhỏ hẹp, ngoằn ngoèo, men theo sườn núi chừng 8 cây số, qua những đoạn cua khúc khuỷu và liên tục xuống dốc, một bên là núi đá, một bên trông xuống là những thửa ruộng bậc thang ẩn hiện trong sương mờ. Tuyến du lịch này được đánh giá là tuyến đi bộ đẹp nhất và đông du khách lựa chọn. Nhiều năm nay Tả Van luôn là điểm đến an toàn, hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước.

Anh Bùi Văn Quỳnh, hướng dẫn viên du lịch của Công ty TNHH Vận tải Du lịch Hoàng Anh cho biết: “Người dân ở đây có kinh nghiệm lâu đời về du lịch cộng đồng, đem lại cho khách rất nhiều cảm nhận. Khoảng cách từ thị trấn Sa Pa xuống đây vừa đủ để cho khách đi bộ trong một ngày. Hiện tại, khách đến Tả Van vẫn đông hơn so với các địa điểm khác ở Sa Pa”.

Rời đô thị phồn hoa, đến với Tả Van, ai ai cũng có thể cảm nhận được nhiều nét khác biệt bởi sự yên bình của bản làng, sự tốt tươi của hoa lá và sự bình dị trong từng nếp sống của người dân thôn bản.

Khách Tây đi bộ xuống bản

Tuy nhiên, những năm gần đây, trong khu du lịch Tả Van, các quán bar, massage, karaoke đua nhau mọc lên làm mờ đi phần nào nét mộc mạc, chất phác của một vùng bản làng. Vậy làm thế nào để bản sắc văn hóa lâu đời của đồng bào nơi đây không bị mai một?

Ông Sì Văn Cang, Bí thư Đảng ủy xã Tả Van cho biết: “Ba dân tộc của Tả Van là dân tộc Dao, dân tộc Mông, dân tộc Giáy đều sống rất hòa thuận từ lâu đời, đây là truyền thống mà chúng tôi cần gìn giữ. Ví dụ như các bài hát, các truyền thống tốt đẹp của từng dân tộc. Về lâu dài chúng tôi nghĩ là phải làm như vậy để Tả Van mang tính chất là Tả Van hơn”.

Ngày Rằm tháng Giêng đầu năm tới, hội xuống đồng của người Giáy ở Tả Van được tổ chức quy mô chào đón du khách trong những ngày xuân mới. Mùa xuân ở Tả Van đang tới, mùa của những thửa ruộng bậc thang đang chuẩn bị bước sang kỳ nước đổ, mùa những cây mơ, cây mận đua nhau nở hoa trắng rợp trời, mùa của những lễ hội xuân rộn ràng trong từng thôn bản, dấy lên khát vọng về một vùng đất du lịch phát triển trong tương lai./.