Từ thế kỷ 17, vùng đất cố đô Huế đã có mối quan hệ giao thương với các địa phương Nhật Bản. Thời gian gần đây, mối quan hệ hợp tác toàn diện giữa tỉnh Thừa Thiên-Huế với Nhật Bản phát triển vượt bậc trên nhiều lĩnh vực như: phòng chống thiên tai; bảo tồn các di sản; giao thông; cấp nước; giáo dục, y tế…

Đến nay, tỉnh Thừa Thiên-Huế đã có quan hệ hợp tác với nhiều địa phương của Nhật Bản như tỉnh Nara, phủ Kyoto, tỉnh Gifu, Thành phố Yokohama…

vov_1_avwq.jpg
Từ năm 1990 Nhật Bản đã hỡ trợ dự án trùng tu cổng Ngọ Môn Huế.

Hiện nay, Nhật Bản là nhà tài trợ ODA lớn ở tỉnh Thừa Thiên-Huế, trong đó có 6 dự án lớn với tổng vốn đầu tư hơn 500 triệu USD. Cụ thể phía Nhật Bản đã tài trợ cho: Dự án nâng cao năng lực thích ứng với thiên tai tại tỉnh Thừa Thiên-Huế; dự án hầm đường bộ Hải Vân, với tổng vốn 250 triệu đô la Mỹ; dự án ODA xây dựng Bệnh viện Trung ương Huế theo tiêu chuẩn quốc tế với tổng vốn 30 triệu đô la Mỹ.
Mới đây, dự án “Cải thiện môi trường nước thành phố Huế” giai đoạn 1, với tổng mức đầu tư hơn 24 tỉ Yên Nhậtdo JICA tài trợ cho thành phố Huế bằng nguồn vốn vay lãi suất ưu đãi của Chính phủ Nhật Bản.
Ông Nguyễn Đình Khánh, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, dự án đã góp phần cải thiện môi trường sống cho hơn 400.000 người dân ở thành phố và các vùng lân cận; giúp giảm ngập lụt mùa lũ, bảo vệ các di sản, nâng cao hệ thống cấp thoát nước tại thành phố Huế.
 
Trong 20 năm qua, chính phủ Nhật Bản đã giúp tỉnh Thừa Thiên-Huế trong việc bảo tồn, phục dựng các công trình kiến trúc cung điện, lăng tẩm ở kinh thành Huế thông qua các tổ chức như Viện nghiên cứu Di sản thế giới UNESCO- Đại học Waseda, Đại học Nữ Chiêu Hòa, Đại học Kyoto-Nhật Bản. Chính phủ Nhật Bản đã hỗ trợ gần 4,5 triệu đô la Mỹ trùng tu các di tích như:  Ngọ Môn - Đại Nội Huế; Hữu Tùng Tự - lăng Minh Mạng; Dự án “Thực hiện kế hoạch hành động quốc gia về bảo tồn Nhã nhạc”.

Theo Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế, trung tâm này đang phối hợp với Nhật Bản nghiên cứu bảo tồn di tích Huế và thực hiện dự án phục nguyên điện Cần Chánh, một công trình kiến trúc tiêu biểu của triều Nguyễn nằm trong khu vực Hoàng thành Huế.

Những năm gần đây, hợp tác du lịch Việt Nam-Nhật Bản ngày càng phát triển mạnh mẽ, khách du lịch Nhật Bản là một trong những thị trường trọng điểm của ngành du lịch tỉnh Thừa Thiên-Huế. Từ năm 2010 đến 2015, lượng khách Nhật Bản đến Thừa Thiên-Huế tăng nhanh.

Năm ngoái, cố đô Huế đón gần 26.000 lượt khách Nhật. Hiện, tỉnh Thừa Thiên-Huế đã có hợp tác thúc đẩy du lịch với các tỉnh Nara, phủ Kyoto, tỉnh Gifu, Thành phố Yokohama của Nhật Bản.

Ông Lê Hữu Minh, Phó Giám đốc phụ trách Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên-Huế chia sẻ, ngành du lịch Huế xác định chuyến thăm của Nhật hoàng chính là cơ hội tốt nhất trong việc giới thiệu hình ảnh xứ Huế đến với người dân Nhật Bản./.