Tối 13/7, tại Quảng trường 2/4, TP Nha Trang diễn ra chương trình nghệ thuật “Yến sào Khánh Hòa với biển đảo quê hương”. Trong khuôn khổ các hoạt động của Festival Biển Nha Trang 2015, tại thành phố Nha Trang tỉnh Khánh Hòa diễn ra nhiều hoạt động văn hóa thể thao sôi động như giải bóng chuyền bãi biển tỉnh Khánh Hòa, hội thi phụ nữ Nha Trang tài năng duyên dáng, cuộc thi các đầu bếp chuyên nghiệp Nha Trang. 

Dịp Festival Biển Nha Trang năm 2015, lượng khách từ nhiều nơi về tỉnh Khánh Hòa nghỉ dưỡng, tắm biển tăng đột biến. Công tác cứu hộ tại bãi biển Nha Trang được quan tâm tăng cường nhằm đảm bảo an toàn cho du khách.

mo_to_kcny.jpg
Mô tô nước sẵn sàng ứng cứu người dân

Những ngày này, dọc bãi biển phía đông các tuyến đường Trần Phú, Phạm Văn Đồng, thành phố Nha Trang luôn có các nhân viên cứu hộ túc trực từ 5h sáng đến 19h tối. Bãi biển dài khoảng 10 cây số được phân chia cụ thể cho các trạm cứu hộ, ngoài ra còn có các chòi gác để nhân viên cứu hộ quan sát người tắm biển. Tất cả những khu vực nước sâu, nguy hiểm đã được thả phao cảnh báo, phân định ranh giới. Nhân viên cứu hộ thường xuyên đi tuần để dùng loa nhắc nhở, cảnh báo người tắm biển không bơi vào các vùng nước nguy hiểm, đồng thời sẵn sàng ứng cứu.

Ông Nguyễn Văn Ai, nhân viên Trạm cứu hộ số 2 cho biết, trạm bố trí mô tô nước gần sát mép nước để nhanh chóng ứng cứu người bị nạn.

Hiện nay, đội cứu hộ bãi biển Nha Trang có gần 40 thành viên thuộc Ban quản lý vịnh Nha Trang. Thời gian qua, lực lượng cứu hộ đã được bổ sung thêm 15 thành viên, trang bị 3 ca nô, 2 mô tô nước cùng nhiều chòi canh, phao cứu sinh. Đặc biệt lực lượng cứu hộ đã được các chuyên gia nước ngoài huấn luyện các kỹ năng ứng cứu nạn nhân đuối nước.

Ông Trương Kỉnh, Trưởng Ban quản lý Vịnh Nha Trang cho biết năm 2014, lực lượng cứu hộ đã cứu được 60 người, từ đầu năm đến nay do làm tốt cảnh báo nên lượng người bị đuối nước đã giảm hẳn, chỉ phải ứng cứu 2 trường hợp. Trong dịp Festival Biển công tác cứu hộ cũng được tăng cường, đặc biệt chú ý các đoàn khách du lịch đến từ các tỉnh không có biển.

Ông Trương Kỉnh cho biết: “Chúng tôi phải tăng cường nhân lực và thời gian trực trên bãi biển để đảm bảo công tác cứu hộ, không để đuối nước xảy ra. Du khách mà đến từ  những nơi khác như Lâm Đồng, Đắk Lắk thì đa số những người đó trước đây họ chưa từng bơi, cho nên chúng tôi chú ý tăng cường thêm cảnh giới ở các khu vực để đảm bảo được kịp thời”./.