Trước những thiệt hại do ảnh hưởng từ dịch Covid-19, Sở Du lịch cùng với Hiệp hội Du lịch thành phố Đà Nẵng đã chuẩn bị những giải pháp xoay chuyển nhằm ứng phó với dịch bệnh, giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn trong hoạt động du lịch.

du_lich_da_nang_vov_jhhz.jpg
Đà Nẵng vẫn đang là điểm đến an toàn với du khách.

Thành phố Đà Nẵng là một trong những trung tâm du lịch của cả nước. Hiện, ngành du lịch tại đây đang chịu những tác động bất lợi trước tình hình dịch bệnh Covid-19. Ước tính, các doanh nghiệp lữ hành, các cơ sở kinh doanh, dịch vụ du lịch, vận tải… trên địa bàn Đà Nẵng thiệt hại khoảng 680 tỷ đồng.

Ông Đoàn Hải Đăng, Giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch và Tiếp thị giao thông vận tải Việt Nam, Chi nhánh tại Đà Nẵng, cho biết, tình hình dịch bệnh ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh doanh hoạt động lữ hành của đơn vị. Theo ông Đoàn Hải Đăng, trong khi tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp thì thành phố thận trọng trong mọi vấn đề và sẵn sàng kế hoạch dự phòng.

Ông Đoàn Hải Đăng cho rằng, trước mắt cần tập trung phòng, chống dịch là chủ yếu vì sức khỏe mới là điều cốt lõi, từ đó đẩy mạnh quảng bá Đà Nẵng là điểm đến an toàn, tạo sự yên tâm cho du khách:“Tại Đà Nẵng, chúng tôi cũng đưa ra những thông điệp, hastag: Tôi an toàn, Đà Nẵng an toàn và Chúng ta an toàn! Tôi cho rằng chiến dịch này được triển khai trong toàn quốc và đi đôi với đó là những bằng chứng, chứng thực ví dụ phỏng vấn đoàn khách, cơ sở lưu trú, nhà hàng, khu điểm vui chơi, tài xế, hướng dẫn đặc biệt là phía khách. Khi mà khách cảm nhận thấy an toàn không, họ trở về an toàn không? Đó là cách quảng cáo hiệu quả nhất chứ không phải đơn vị lữ hành”.

Hiện nay, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã thành lập liên minh kích cầu quốc gia, bắt đầu với 4 địa phương chưa bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19 là Đắk Lắk- Gia Lai- Bình Định- Phú Yên. Tiếp đến sẽ là nhóm địa phương Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam. Theo ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch thành phố Đà Nẵng, từ việc liên kết này thể hiện quyết tâm đưa ngành du lịch địa phương vượt qua giai đoạn khó khăn, Đà Nẵng có cơ hội lớn để thu hút nguồn khách quay trở lại. Ông Cao Trí Dũng cho biết: Chương trình này sẽ chia làm nhiều bước, đầu tiên là tập trung nguồn khách du lịch nội địa. Sau đó, sẽ có chương trình kích cầu dài hạn, toàn diện hơn.

“Đã có chủ trương từ phía Chính phủ là miễn và giảm lệ phí visa cho một số thị trường chính; hỗ trợ xúc tiến vào các thị trường lớn để khôi phục nguồn khách; xử lý các điểm nghẽn để chúng ta hình thành sớm các sản phẩm mới hẳn cho điểm đến thành phố Đà Nẵng. Với tín hiệu rất lạc quan đó, hy vọng cộng đồng doanh nghiệp sẽ vượt qua được khó khăn.”- Ông Dũng nói.

Bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng cho biết, để vượt qua giai đoạn khó khăn, Sở đã đề nghị các khu, điểm du lịch bán vé cho du khách bằng giá vé của người dân tại địa phương trong thời điểm nhất định; miễn phí tham quan một số điểm du lịch như Bảo tàng Đà Nẵng, Bảo tàng Điêu khắc Chăm; các khách sạn lớn phải có chính sách giảm giá,... để thu hút khách du lịch. Ngoài ra, Sở đã thống nhất cùng các đơn vị, doanh nghiệp lữ hành, hãng hàng không xây dựng chương trình kích cầu du lịch nội địa với mức giá giảm và nâng chất lượng dịch vụ.

“Chúng tôi sẽ tổ chức một chương trình kích cầu trên quy mô toàn địa bàn thành phố. Chương trình này sẽ mang lại 2 giá trị kích cầu đó là: Chúng tôi kích cầu không chỉ giảm giá dịch vụ mà chúng tôi sẽ kích cầu theo hướng sản phẩm mới, tăng thêm dịch vụ, sau đó mới đến việc giảm giá. Việc này chúng tôi cũng cần sự tham gia của các hãng hàng không, các khu- điểm lớn, các công ty lữ hành cũng như các cơ sở kinh doanh, phục vụ du lịch”, bà Hạnh cho biết.

Sắp tới, Đà Nẵng có thêm nhiều đường bay quốc tế mới sang Lào, Nga và Ấn Độ, mở ra cơ hội xúc tiến, quảng bá ở những thị trường mới và tiềm năng. Hiện, ngành du lịch thành phố đang tích cực xây dựng kế hoạch quảng bá giới thiệu Đà Nẵng là điểm đến an toàn tới du khách trong và nước ngoài, cùng vượt qua khó khăn do ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19./.