Nếu ai đến Yên Bái vào những ngày cuối tháng 9 và đầu tháng 10 hàng năm sẽ may mắn được thưởng thức những hạt cốm dẻo ngọt nổi tiếng của xã Tú Lệ. Cốm ở đây không dẻo như cốm Hà Nội nhưng lại có cái vị riêng của núi rừng Tây Bắc.
Điều dễ nhận thấy khi đi qua xã Tú Lệ vào mùa cốm là hầu như trước cửa mỗi gia đình đều có một không gian riêng để dùng cho việc làm cốm. Tuy nhiên để cho ra được hạt cốm dẻo thơm thì người dân phải trải qua rất nhiều công đoạn chế biến.
Mùa cốm chỉ kéo dài khoảng nửa tháng, bắt đầu khi lúa nếp sắp chín. Nếp non được người dân cắt về và tuốt ngay, chọn những hạt mẩy để làm cốm. Sau đó, người dân sẽ cho vào rang với một thời gian thích hợp nếu không sẽ bị nổ.
Lửa là một yếu tố rất quan trọng khi rang cốm. Lửa lúc đầu phải to rồi mới nhỏ dần. Nếu không điều chỉnh lửa tốt, mẻ cốm sẽ không nở đều hay thậm chí bị hỏng.
Sau khi đã rang xong, cốm được đổ ra cho nguội và nhặt bỏ những hạt không đạt chuẩn rồi mới cho vào giã.

Giã cốm cũng phải đều, cho đến khi những hạt cốm dẹt mỏng, dẻo và dậy mùi hương thơm là đạt yêu cầu. Mỗi lần giã phải khoảng 30 phút hoặc hơn. 

 

Sau khi giã, cốm được đổ ra để xoa cho tơi rồi...

 

... đem sàng 
sẩy để làm sạch trấu, rồi lại giã tiếp, cứ như vậy 3 lần.
Sản lượng cốm được làm ra cũng tùy vào mỗi gia đình.
 Nếu đông người thì có thể vài chục kg mỗi ngày còn ít thì cũng được hơn chục kg.
Cốm ở Tú Lệ thường được người dân gói bằng lá dong để giữ cho hương thơm và độ dẻo được lâu. 
Mỗi kg cốm được các gia đình ở đây bán với giá 100.000 đồng.