Từ đầu năm đến nay, khoảng 20 sự kiện lớn nhỏ hưởng ứng Năm Du lịch quốc gia của tỉnh Điện Biên đã trở thành “thỏi nam châm” thu hút khách. Bên cạnh tranh thủ quảng bá thương hiệu về một trung tâm du lịch của Tiểu vùng Tây Bắc trong tương lai, gắn với 3 thế mạnh du lịch văn hóa – lịch sử - sinh thái theo quy hoạch tỉnh Điện Biên đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ngành kinh tế được xác định là mũi nhọn của Điện Biên vẫn còn đó nhiều thách thức. Đó là xu hướng khách lên Điện Biên đông về số lượng nhưng thời gian lưu trú ngắn, phân khúc khách cao cấp hạn chế so với khu vực. Lượng khách chỉ tăng đột biến tại một số thời điểm trong năm, chưa phát huy được giá trị điểm đến trong cả 4 mùa.

Theo ông Nguyễn Minh Phú - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên, còn rất nhiều việc phải làm nhưng Điện Biên xác định sẽ tập trung cho một số việc lớn như củng cố, phát triển cơ sở hạ tầng; nâng cao nguồn nhân lực và xây dựng các sản phẩm du lịch đặc sắc. Điện Biên cũng đã có một Nghị quyết chuyên đề về bảo tồn, phát huy văn hóa các dân tộc gắn với phát triển kinh tế - xã hội.

"Hiện nay chúng tôi đang triển khai xây dựng quy hoạch chi tiết việc bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử chiến trường Điện Biên Phủ, dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2024. Trên cơ sở quy hoạch đó, tiếp tục mời gọi, tập trung nguồn lực bảo tồn tôn tạo và phát huy giá trị này để di tích được làm mới, sinh động hơn, có thể truyền tải rộng hơn thông điệp của chiến thắng Điện Biên Phủ đến với bạn bè và du khách", ông Nguyễn Minh Phú cho biết.

Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, sau chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, Điện Biên là mảnh đất nổi tiếng cả với thế giới chứ không chỉ trong nước. Vị trí cũng rất tiềm năng, là tỉnh duy nhất giáp cả Trung Quốc và Lào. Nhưng cái khó của địa phương là nghèo và xa xôi về khoảng cách. Rất may Điện Biên đã có sân bay vừa được nâng cấp, cần tiếp tục phát huy, cộng với tư duy của địa phương phải đổi mới hơn nữa để tạo sự khác biệt, thoát khỏi tư duy manh mún và phải làm sao xứng tầm vùng và quốc tế. 

PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng, Điện Biên cũng cần có cơ chế “mượn lực” bằng cách thu hút nhân tài. Đó sẽ là những nhân tố giúp địa phương trực tiếp tạo ra lợi thế cạnh tranh, thay vì chỉ dừng lại ở lợi thế so sánh như hiện nay. "Hiện nay sân bay tại Điện Biên mới có 2 – 3 chuyến bay thì cần tăng thêm, nếu chỉ kết nối với một vài điểm thì khá bất tiện. Ngoài ra phải giải quyết được một số dự án trọng điểm để cải thiện chân dung điểm đến. Thành phố mà không tốt, lên vẫn thấy lụp xụp là du khách không đến nữa, và hệ thống khách sạn vẫn còn hạn chế".

 

Theo ông Nguyễn Trùng Khánh - Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, trong 7 nhóm giải pháp trọng tâm nêu rõ tại Nghị quyết 82 nhằm tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả bền vững của Việt Nam, Điện Biên chỉ cần bám sát và thực hiện gắn với đặc thù của địa phương chắc chắn sẽ hiệu quả. "Phải tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá du lịch để mọi người biết đến những tiềm năng, lợi thế của Điện Biên. Đặc biệt là trong dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, đông đảo du khách sẽ có cơ hội đến để trải nghiệm và qua đó thì sẽ lan toả những giá trị về văn hoá, thiên nhiên và con người của Điện Biên".

Sau những thành công của Lễ hội Hoa Ban, dịp nghỉ lễ 30/4 – 1/5 và sức nóng của kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, địa phương chủ nhà Năm Du lịch Quốc gia đang hướng đến mục tiêu đón 1,3 triệu lượt khách trong năm 2024. Kỳ vọng trong tương lai không xa, không riêng một năm đặc biệt hay mùa du lịch đặc biệt, Điện Biên luôn là điểm đến không thể bỏ qua của mọi du khách trong và ngoài nước.