Để khôi phục các hoạt động du lịch, chính quyền thành phố Hội An đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, trang bị hạ tầng công nghệ tại các điểm đến, lắp đặt wifi miễn phí, quảng bá trực tuyến các sản phẩm du lịch trên các nền tảng mạng xã hội. Từ ngày 1/4 vừa qua, Hội An thực hiện bán vé tham quan điện tử, dần thay thế vé tham quan truyền thống. 

Chị Trương Thị Cẩm Nhung cùng nhiều khách từ Thành phố Hồ Chí Minh đến tham quan Hội An lần này cảm thấy hài lòng với các ứng dụng công nghệ số. Chỉ cần khai thác tiện ích trên các thiết bị thông minh, du khách nhanh chóng có sự lựa chọn cho lịch trình của mình.

“Dịch vụ ở Hội An có những tính năng cho khách du lịch đến với Hội An bằng app kỹ thuật. Nó nhanh hơn, tiện lợi hơn cho du khách, làm cho giới trẻ bắt kịp thông tin nhanh hơn và giới thiệu cho bạn bè chính xác hơn”.

Từ khi Đô thị cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới, chính quyền và người dân Quảng Nam đã nỗ lực đưa ngành Du lịch phát triển về quy mô lẫn chất lượng, trở thành điểm đến yêu thích của du khách trong và ngoài nước. Tuy nhiên, trong giai đoạn khôi phục du lịch hiện nay, thách thức đặt ra đối với chính quyền và cộng đồng doanh nghiệp là làm sao để bắt kịp xu thế công nghệ 4.0 cũng như đáp ứng nhu cầu tham quan của du khách trong điều kiện dịch bệnh kéo dài. 

Ông Nguyễn Sơn Thủy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam băn khoăn, địa phương đã xây dựng kế hoạch chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch đến năm 2025 nhưng trên thực tế chỉ mới dừng lại ở mức độ ứng dụng công nghệ thông tin.

“Cái mà có thể ứng dụng được ngay đó là về In Marketing thì vẫn chưa khai thác được triệt để. Chuyển đổi số phát triển như vũ bão, nếu chúng ta không chuyển dịch tốt thì sau đại dịch Covid-19 chúng ta sẽ không có được lợi thế cạnh tranh” - ông Nguyễn Sơn Thủy cho biết.

Để nâng cao lợi thế cạnh tranh của ngành Du lịch Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, một trong bốn chiến lược quan trọng đặt ra là làm sao thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển du lịch thông minh và ứng dụng công nghệ thông tin. 

Theo ông Lê Hùng Anh, người sáng lập thương hiệu Travelner - một doanh nghiệp xây dựng các nền tảng công nghệ trong phát triển du lịch thông minh, dịch Covid-19 đã tạo ra những ảnh hưởng sâu rộng đến ngành Du lịch. Ở thời điểm này, du khách đã thay đổi xu thế và phương thức tìm kiếm thông tin du lịch. Đây là thách thức nhưng cũng là cơ hội để các doanh nghiệp chủ động làm mới mình, thích ứng an toàn trong thời gian đến. 

Ông Lê Hùng Anh cho biết: “Ứng dụng công nghệ thông tin trong thời điểm này có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Hiện tại, gần như tất cả khách hàng đều sử dụng các ứng dụng về đặt phòng khách sạn, mua vé máy bay trên thiết bị di động. Đây là cơ hội rất hiếm có”.

Sau hơn 2 năm gần như “đóng băng”, Du lịch Việt Nam được kỳ vọng bước vào giai đoạn phục hồi, lấy lại đà tăng trưởng, thu hút du khách trong và ngoài nước, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Phát biểu tại Lễ khai mạc Năm Du lịch Quốc gia 2022, diễn ra vào cuối tháng 3 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, ngành Du lịch Việt Nam cần kiên định với những giá trị bền vững đã tạo dựng và xác lập trong lòng du khách quốc tế, đó là hình ảnh “Việt Nam điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn”. Thủ tướng cũng yêu cầu ngành Du lịch chủ động, sáng tạo để đưa du lịch Việt Nam tiếp tục phát triển, sẵn sàng đón khách du lịch trở lại trong năm 2022 và những năm tiếp theo.

Cần có tư duy và cách làm mới để biến nguy thành cơ. Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn hiện hữu thì hoạt động du lịch cần được tổ chức an toàn, khoa học, đổi mới công nghệ là xu hướng tất yếu trên thế giới hiện nay. Những từ khóa chủ đạo của du lịch Việt Nam giai đoạn sắp tới sẽ là hợp tác, phát triển, xanh hóa, số hóa và kết nối thân thiện./.