vov_60_wxlw.jpg
Cách Hà Nội khoảng 30 km về phía đông, chùa Nôm thuộc địa phận làng Nôm, xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm, Hưng Yên. Trụ trì hiện tại là Thượng tọa Thích Đồng Huệ. Tam quan chùa Nôm nằm dưới những bóng cây cổ thụ tạo nên vẻ trầm mặc, thanh bình. 

Bước qua tam quan là lầu chuông và lầu trống nằm đối xứng hai bên. Cạnh lầu chuông là một hồ nước trong xanh như mở ra thêm không gian tĩnh mịch cho ngôi chùa.

Ngoài hồ nước nằm bên cạnh lầu chuông, chùa Nôm còn có một hồ nước nữa. Lầu Quan Âm của ngôi chùa nằm ở giữa hồ nước này như một đài sen nguy nga, lộng lẫy. Dẫn vào lầu Quan Âm là một cây cầu đá hình cánh cung mô phỏng cây cầu Nôm cổ, phía trước cầu là hai tháp Cửu phẩm liên hoa bằng đồng tạo thành một cụm kiến trúc thống nhất làm mãn nhãn người xem.

Chùa Nôm còn có tên gọi khác là "Linh Thông cổ tự". Hiện vẫn chưa xác định được niên đại đầu tiên khi xây chùa mà chỉ được biết rằng chùa được xây dựng từ hàng trăm năm trước. 

Hai tấm bia lớn đặt sau hậu cung ghi lại những tư liệu quý từ thời Hậu Lê, đời Chính Hòa, năm Canh Thân (1680) sau khi lên ngôi, nhà vua đã cho xây dựng lại chùa.
Tới năm Cảnh Thịnh thứ 4 (1796), chùa được xây thêm gác chuông và mở rộng hai dãy hành lang.

Nơi đây lưu giữ 122 pho tượng đất cổ. Các pho tượng được tạc ở nhiều trạng thái, tư thế và chủ đề khác nhau.
 
Điều đáng ngạc nhiên không phải là số lượng các pho tượng đất mà là độ bền vững không tưởng của chúng. 
Trải qua nhiều trận lụt lịch sử, các pho tượng vẫn còn nguyên vẹn và hiện chúng vẫn là một ẩn số mà các nhà khoa học chưa giải thích được.

Đến với chùa Nôm, du khách còn được chiêm ngưỡng khu vườn mộ tháp bằng đá ong nằm bên cạnh ngôi chùa cổ. 
Trải qua bao biến đổi thăng trầm của lịch sử, những tòa tháp đá vẫn đứng vững như thách thức với thời gian.

Ngoài chùa Nôm, ta còn có thể khám phá Làng Nôm với một quần thể kiến trúc cổ thuần Việt cần được gìn giữ bảo tồn với: Cổng làng, Đình làng, chùa Nôm, chợ Nôm, những con đường gạch cổ….

 Làng có một không gian cảnh quan tuyệt vời nằm ở trung tâm – ở giữa là mặt nước, hình thành một trục dẫn hướng từ cổng làng tới thẳng đình làng Nôm. Dọc hai bên ao là một số ngôi nhà thờ họ và nhà ở kiểu cổ, xen lẫn một số nhà đã có cải tiến và xây mới nhưng vẫn nằm trong không gian xanh và không xây cao nên không phá vỡ cảnh quan. Cả làng còn hơn chục nhà cổ và 7 nhà thờ của các họ. 

Đình làng Nôm là một ngôi đình còn khá nguyên vẹn sau bao biến cố lịch sử. Đình làng Nôm hướng quay mặt ra ao làng, được xây dựng theo hình chữ tam, phía trước gồm năm gian đại bái, tiếp đó là ba gian chính đường, hai bên có tả vu hữu vu được làm thông nhau không phân gian, cuối cùng là phần hậu cung (cung cấm), trong cung có bài vị của Ngài, nơi đây chỉ mở cửa vào dịp đại lễ.
Cầu đá làng Nôm như một biểu tượng của người dân làng Nôm. Gần như các câu ca dao tục ngữ về làng nôm xưa đều được thông qua biểu tượng chính là cây cầu này. Không chỉ mang giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc độc đáo, chiếc cầu đá cổ hơn 200 năm này  được các nhà nghiên cứu di sản đánh giá là một công trình độc đáo còn nguyên vẹn chưa từng thấy ở bất cứ làng cổ nào của đồng bằng sông Hồng.