Cung Vương Phủ là dinh thự của các vương gia thuộc triều đại nhà Thanh duy nhất ở Trung Quốc được bảo tồn hoàn chỉnh và mở cửa cho khách du lịch hiện nay. Người đầu tiên ở đây là đệ nhất tham quan Hòa Thân và người cuối cùng là em trai của vua Hàm Phong - Cung thân vương Dịch Hân, do vậy có tên Cung Vương Phủ. 

Không chỉ có các kiến trúc đặc biệt, có thể đem ra so sánh với Cố Cung – Tử Cấm Thành, trong phủ của Hòa Thân còn có vô số bảo vật trấn trạch ở mọi ngóc ngách. Tiêu biểu nhất là 9.999 hình con dơi mang ý nghĩa tốt lành, phú quý được trang trí dọc theo hành lang và cả tay cầm trên các cánh cửa của biệt phủ.

Trong tiếng Trung Quốc, dơi đọc là “bianfu”, âm sau giống chữ “Phúc”. 9.999 con dơi này kết hợp cùng với tấm bia đá chữ “Phúc” do đích thân Khang Hy ngự bút, tạo thành “Vạn Phúc”. Vì ở thời xưa, chỉ có hoàng đế mới được sử dụng chữ “Vạn” nên Hòa Thân đã nghĩ ra cách sắp đặt này để không ai phát hiện ra ngụ ý của mình.

Ngoài ra, Hòa Thân còn cho xây dựng 2 ngọn núi nhân tạo. Tương truyền, trong lòng mỗi ngọn núi, ông ta đặt một vật trấn trạch. Đó là một con tỳ hưu lớn tạc bằng ngọc phỉ thúy xanh rất quý hiếm (trong khi đó chính vua Càn Long cũng chỉ có con tỳ hưu nhỏ hơn và bằng bạch ngọc). Vật trấn trạch thứ hai là chữ Phúc do Khang Hy viết tặng bà nội nhân dịp thượng thọ, sau đó về tay Hòa Thân.

Bia chữ Phúc này được Hòa Thân cho tạc vào một khối đá trong lòng núi nhân tạo nhìn giống hình Rồng. Vị trí của Rồng nằm đúng ​​trên long mạch của Bắc Kinh và tấm bia có chữ Phúc được Hòa Thân đặt đúng vào huyệt Rồng. Do vậy, sau khi vua Gia Khánh lên ngôi, Hòa Thân bị phế truất, dù nhiều lần muốn dời tấm bia này về cung, nhưng do lo ngại động long mạch, khiến nền móng nhà Thanh lung lay, nên cuối cùng chữ Phúc vẫn nằm nguyên chỗ cũ.

Do chữ “Phúc” này bao hàm năm chữ “Tử, Tài, Đa, Điền, Thọ”, khi ghép vào sẽ được các chữ “đa tử, đa tài, đa điền, đa thọ và đa phúc”, tức "nhiều con cái, nhiều tài lộc, nhiều đất đai, nhiều tuổi thọ và nhiều phước lành”, nên rất nhiều người Trung Quốc khi đến Cung Vương Phủ đều muốn xoa tay vào chữ Phúc để lấy may.

Vì vua Khang Hy rất ít khi viết chữ khắc bia, do vậy bia chữ “Phúc” này là vô cùng quý giá ở Trung Quốc. Nó được mệnh danh là “Thiên hạ đệ nhất Phúc”, mà nhiều người vẫn quen gọi là chữ “Phúc” Khang Hy. Đến nay, tấm bia này đã trở thành di tích văn hóa cấp quốc gia của Trung Quốc.

Cung Vương Phủ được trùng tu và mở cửa là nhờ có Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai, sau khi ông được một nhà Hồng lâu mộng học cho biết nguyên mẫu của Đại Quan Viên chính là Cung Vương Phủ. Ngay từ năm 1962, ông đã ra chỉ thị yêu cầu chính quyền thành phố Bắc Kinh bảo tồn và gìn giữ di tích này.

Năm 1988, Cung Vương Phủ chính thức mở cửa với bên ngoài, nhưng đến năm 2006 mới hoàn tất việc dỡ bỏ các công trình xây dựng trái phép và trở về không gian vốn có. Năm 2012, Cung Vương Phủ được chính phủ Trung Quốc liệt vào danh sách thắng cảnh cấp quốc gia và trở thành một trong những địa điểm thu hút khách du lịch ở Bắc Kinh./.

Khám phá Cung Vương Phủ - dinh thự của đệ nhất tham quan Hòa Thân

VOV.VN - Người Trung Quốc có câu: “Một tòa Cung Vương Phủ, nửa bộ sử nhà Thanh”, bởi nó đã trải qua lịch sử của triều đại này từ thời hoàng kim đến khi suy tàn. Đặc biệt hơn khi Cung Vương Phủ lại là biệt phủ của Hòa Thân, quan tham số một trong lịch sử phong kiến Trung Quốc.