Như Đài Tiếng nói Việt Nam đã thông tin, vào khoảng 21h30 ngày 2/8 đã xảy ra một vụ tai nạn đường thủy nghiêm trọng: tàu của công ty cổ phần Vietsec, Bà Rịa- Vũng Tàu chở theo 30 hành khách, trên đường từ huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiến Giang về thành phố Vũng Tàu thì bị chìm tại cửa biển khu vực Cồn Ngựa, xã Long Hòa, huyện Cần Giờ, TP HCM. Vụ tai nạn làm nhiều người mất tích.         

Tính đến 18h chiều 3/8, lực lượng cứu hộ cứu nạn đã tìm và cứu được 22 nạn nhân của vụ chìm tàu, trong đó có 1 người đã chết, 21 người còn lại được sơ cứu, điều trị ổn định sức khỏe tại bệnh viện huyện Cần Giờ và đã xuất viện. Hiện còn 8 người mất tích vẫn đang được gấp rút tìm kiếm với phương châm “còn nước còn tát”.

44chim-tau-o-can-gio.jpg

Phần nổi của chiếc ca nô bị chìm.(ảnh do Việt Nam MRCC cung cấp)

TP HCM đã lập ngay Sở chỉ huy tiền phương đặt tại UBND huyện Cần Giờ do Thiếu tướng Trương Văn Hai- Tư lệnh Bộ Tư lệnh thành phố trực tiếp chỉ huy. Lực lượng tìm kiếm gồm bộ đội biên phòng, Hải đội 2, Trung tâm tìm kiếm cứu nạn…với hơn 100 người cùng 8 tàu cứu hộ cứu nạn liên tục làm việc từ đêm qua đến giờ để tìm kiếm người bị nạn. Trưa 3/8, Bộ tư lệnh Quân khu 7 và Sư đoàn 370 đã điều động 2 trực thăng xuống Cần Giờ hỗ trợ công tác tìm kiếm cứu nạn.

Phương án tìm kiếm hiện nay là, các tàu dưới mặt biển liên tục di chuyển tìm nạn nhân và mở rộng vùng tìm kiếm ra xa, trực thăng trên cao quan sát các dấu hiệu khả nghi. TP HCM cũng đã gửi thông báo đến Ban chỉ huy phòng chống lụt bão các tỉnh lân cận như Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Bà Rịa- Vũng Tàu, Bộ tư lệnh Hải quan vùng 2, Cảnh sát biển vùng 3 và ngư dân để cùng hỗ trợ tìm kiếm, cứu nạn.

Đại tá Lê Ngọc Hùng, Tham mưu trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố Hồ Chí Minh nói: “Phương châm của Ban chỉ huy phía trước là còn nước còn tát, tìm được lúc nào thì được. Cho anh em mở rộng phạm vi tìm kiếm, trên thì có sự hỗ trợ của  Sư 370.  Quân khu chỉ đạo Sư 370 cho trực thăng xuống tìm kiếm. Hiện nay, có Bộ đội biên phòng, Trung tâm tìm kiếm cứu hộ cứu nạn khu vực 3, tàu của kiểm ngư cũng có anh em dân quân của  Cần Giờ, cũng có xã đội dân quân trên đó. Một tổ trên 100 người”.

Ông Nguyễn Minh Trí, cha của nạn nhân Nguyễn Thị Kim Hoàng, sinh năm 1993, mất tích trong vụ chìm tàu này vẫn đang túc trực ở bờ biển Cần Giờ chờ tin cho biết: “Ghe chở con mình bị chìm nên lặn lội từ Gò Công sang đây tìm từ hồi 7h sáng tới giờ. Con mất thì lo, phải ráng tìm thôi chứ sao bây giờ”.

Vị trí tàu bị chìm là Cồn Ngựa, cách bờ biển Vũng Tàu 10 km và bờ biển Cần Giờ khoảng 20km. Đây là một vị trí nguy hiểm được ngư dân và những người đi biển khu vực này tránh xa. Do đó, theo nhiều người, chiếc tàu trên gặp sóng to, gió lớn và lái tàu không thông thạo luồng lạch ở vùng biển này nên đã cho tàu đi vào nơi nguy hiểm.

Thượng tá Phạm Long Hòa, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Long Hòa là người có mặt và trực tiếp chỉ huy công tác cứu nạn ngay khi nhận tin báo nhận định: “Khu vực cồn Ngựa và cồn Thu này đối với những người dân ở Cần Giờ, Tiền  Giang, Bến  Tre đều biết tàu lớn vào gặp lúc nước lớn, gió lớn lên thì dứt khoát phải chìm. Cho nên, những người đi qua khu vực đó đều tránh xa ra. Thuyền trưởng này không thông thạo luồng lạch nên đi vào khu vực đó. Phương tiện vừa cỡi lên cồn bắt đầu trở ra nhưng không còn kịp”.

Vào thời điểm này, thời tiết ở vùng biển Cần Giờ rất xấu, mưa kèm theo gió to liên tục khiến công tác tìm kiếm cứu nạn càng khó khăn. Mặc dù vây, lực lượng tìm kiếm cứu nạn vẫn bám biển với hy vọng sớm tìm thấy những người còn lại. Sở chỉ huy tiền phương cho biết: ngoài biển thiếu gì, trong bờ sẽ cho phương tiện chuyển tải ra kịp thời, vì lực lượng tìm kiếm cứu hộ sẽ phải làm việc liên tục, không vào bờ thay ca cho đến khi tìm kiếm xong./.