Theo nhận định của các chuyên gia y tế, nguy cơ 3 dịch cúm AH1N1, cúm AH5N1 và cúm AH7N9 bùng phát trong thời điểm này rất lớn. Trong khi đó, đa số người dân vẫn có tâm lý chủ quan và công tác phòng chống dịch bệnh ở các địa phương còn nhiều khó khăn.
Cùng với dịch cúm AH7N9 và cúm AH5N1, ngành y tế đang lo ngại biến chủng của virus cúm AH1N1, bởi hiện virus cúm này có khả năng lây lan mạnh qua đường hô hấp. Chỉ chưa đầy một tháng đã có 3 người tử vong vì mắc cúm AH1N1 ở Thanh Hóa và Yên Bái. Các chuyên gia y tế không loại trừ khả năng virus cúm này có thể biến đổi thành chủng virus cúm mới. Trong khi đó, tuyến địa phương đang gặp không ít khó khăn trong công tác chẩn đoán và điều trị.
Ông Hà Đình Ngư, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Thanh Hóa cho biết, ngày 23/4 bệnh nhân Hoàng Thị Thu Hoài, 12 tuổi ở huyện Vĩnh Lộc tử vong vì cúm AH1N1, nguyên nhân chủ yếu là người bệnh và gia đình chủ quan.
Đối với virus cúm AH7N9 và cúm AH5N1 có khả năng tử vong cao, đặc biệt khi các chủng virus này tái tổ hợp sẽ tạo ra một loại vi rút mới có đặc tính lây lan nhanh. Kết quả xét nghiệm các trường hợp nhiễm cúm AH7N9 tại Trung Quốc cho thấy có nguồn gốc từ chim và gia cầm. Nguy cơ lây lan virus H7N9 sang Việt Nam rất cao, bởi nước ta có chung đường biên giới dài với Trung Quốc.
Làm thế nào để nhận diện các loại cúm trong bối cảnh hiện nay? Theo các chuyên gia y tế, triệu chứng của cả 3 loại cúm này rất giống nhau, đó là ho nhiều, sốt cao kèm theo sổ mũi, nhức đầu, khó thở và viêm phổi. Chỉ có thể phân biệt bệnh thông qua lấy mẫu xét nghiệm. Để phòng chống cúm AH1N1, cách tốt nhất là tiêm vaccine phòng bệnh. Còn với cúm AH5N1 và H7N9 cần rửa tay bằng xà phòng và tránh tiếp xúc với gia cầm ốm chết giúp giảm nguy cơ nhiễm bệnh.
GS.TS Trịnh Quân Huấn, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng: Tình hình cúm diễn biến phức tạp ở cả 5 châu lục. Đặc tính của cúm A, khi tấn công vào người thì khu trú ở hầu, họng và gây nên sốt, ho, dẫn tới viêm nhiễm vào phổi. Khi đã bị viêm nhiễm thì nguồn bệnh càng dễ phát tán trong cộng đồng. Vì cúm lây 2 đường là hô hấp và tiếp xúc trực tiếp. Vì vậy, Bộ Y tế đưa ra biện pháp phòng bệnh cho người dân là rửa tay xà phòng thường xuyên, xúc miệng bằng nước sát khuẩn, không ăn gia cầm chết.
Bộ Y tế nhận định, mặc dù hiện nay chưa có bằng chứng bệnh nhân nhiễm cúm AH5N1 và cúm AH7N9 lây từ người sang người nhưng virus cúm A rất dễ biến đổi, có tính thích nghi cao. Do vậy, Bộ Y tế đề nghị các địa phương nhanh chóng phê duyệt kế hoạch liên ngành phòng chống dịch cúm AH5N1 và H7N9. Đồng thời, Bộ Y tế đề nghị tổ chức Y tế thế giới hỗ trợ thuốc kháng virus cho nước ta./.