Bạn có thể khó tưởng tượng khi vẫn đang trong giai đoạn mặn nồng ban đầu, nơi không sai sót nào có thể xảy ra. Nhưng rồi, khoảng cách sẽ là yếu tố khiến bạn nhận ra sự hoàn hảo đó chỉ là một giai đoạn, những gì thực tế mang lại không hoàn toàn lý tưởng như thế. Từ đây, những ngờ vực và băn khoăn trong bạn bắt đầu nảy sinh, bạn sẽ thấy mình tự hỏi, "Liệu tất cả những điều này có xứng đáng không?"
Dưới đây là những câu hỏi quan trọng để giúp bạn xác định sự lâu dài của mối quan hệ khi có khoảng cách là vật cản trở hay không.
Bạn có sẵn sàng đi đến cuối cùng hay không?
Sự cống hiến là một trong những yếu tố đầu tiên bạn cần suy xét. Nếu chỉ có một trong hai người sẵn sàng, thì mối quan hệ này sẽ không xảy ra. Các mối quan hệ đơn phương sẽ dần dần bị tan biến, bởi vì ai cũng có giới hạn riêng của họ. Vì vậy, bạn cần phải có cùng chung một quan điểm.
Khi một trong hai người đớn phương cố gắng, họ sẽ dần phát chán với việc thực hiện tất cả các nỗ lực đó. Nếu họ liên tục ngờ vực về ý định và sự cống hiến của bạn với họ, điều đó sẽ gây ra những xung đột giữa hai người, cũng như ở trong chính suy nghĩ của bạn, và dần dần phá hủy mối quan hệ.
Cả hai bạn có đủ tin tưởng nhau không?
Trong thời buổi giao lưu và hội nhập liện tục ngày nay, bị phân tâm bởi những cám dỗ bên ngoài là một điều khó thể tránh được. Bạn thực sự phải tin tưởng người ấy và chính bạn rằng hai người sẽ chung thủy với người còn lại, kể cả khi chẳng mấy khi được gặp gỡ. Và hơn hết, hãy thành thật về những bất an và chia sẻ với họ. Ghen tuông và giữ cho riêng mình sẽ vô cùng độc hại.
Nếu sự tin tưởng đã trở nên mỏng manh, thì đối tác của bạn sẽ liên tục đặt câu hỏi về nơi bạn đang ở, việc bạn đang làm, bạn đang ở cùng ai và liệu bạn có nói thật khi cung cấp thông tin cho những câu hỏi này. Đây là dấu hiệu bạn nên xem xét lại, vì không mối quan hệ lành mạnh nào đi kèm với sự kiểm soát thái quá.
Hai bạn có giao tiếp tốt với nhau không?
Đây không chỉ là vấn đề bạn có thể duy trì một cuộc trò chuyện thú vị hay không. Bạn phải có khả năng nói chuyện cởi mở và thoải mái với người ấy, không cảm thấy ngại ngần hay sợ hãi về những gì họ sẽ trả lời. Bạn sẽ phải trải qua nhiều cảm xúc tiêu cực trong thời gian xa nhau và điều quan trọng là bạn có thể nói về điều đó.
Cuộc trò chuyện sẽ nhanh chóng kết thúc nếu bạn không thể tìm thấy điều gì để nói. Bạn muốn kể cho họ về ngày của mình nhưng nó chẳng có sự kiện gì đáng giá. Hoặc đôi khi bạn có thể cảm thấy rằng người ấy không thể hiểu được tình huống của bạn, vì vậy bạn không nói chuyện với họ về nó. Từ đây, hai bạn vô tình tạo ra khoảng cách. Và nếu bạn không thể truyền đạt đầy đủ cảm xúc của mình, thì bạn sẽ “nội tâm hóa” chúng, biến chúng trở thành oán giận, ghen tị, bất an và một loạt cảm xúc tiêu cực khác mà không ai muốn cảm thấy.
Mỗi bạn có một cuộc sống độc lập ngoài đời sống tình cảm của mình không? Liệu bạn có thể sống một mình?
Điều này rất quan trọng. Cho dù mối quan hệ của bạn có xa cách hay không, thì việc có một cuộc sống độc lập bên ngoài mối quan hệ của bạn là cần thiết. Nếu không bạn sẽ phải đeo bám họ, lấy đi hết mọi thời gian của họ. Điều này cũng xảy ra trong một mối quan hệ yêu xa, và bạn có thể khiến đối phương phát điên cho dù bạn có đang ở nửa kia vòng Trái Đất. Độc lập không chỉ là một phẩm chất quan trọng cần có, mà nó còn vô cùng gợi cảm.
Nếu không có cuộc sống riêng, công việc, bạn bè hoặc sở thích khiến bạn bận rộn, bạn sẽ yêu cầu nhiều hơn từ đối phương, khiến cho họ cảm thấy bạn phiền phức và dần dần mất đi tình cảm. Họ sẽ cảm thấy rằng bạn không tôn trọng cuộc sống và những mục tiêu mà họ đang cố gắng đạt được và sẽ nghĩ đến bạn như một điều gì đó đeo bám.
Nếu hai người không thể cùng nhau đưa ra những câu trả lời cho các câu hỏi trên, thì hãy xem xét về mối quan hệ này. Không có gì sai khi cần một người đồng hành sẵn sàng ở bên chúng ta, mỗi người có một cách yêu riêng cho mình. Nhưng bạn cần thành thật với bản thân và người ấy để không ai bị tổn thương khi một trong hai vươn tới những mối quan hệ khác./.