Sau bao nhiêu nỗ lực tìm kiếm, mới đây 164 liệt sỹ hy sinh trong trận đánh ở Cần Lê, Tống Lê Chân nay thuộc xã Tân Hoà, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh mà VOV đọc danh sách hồi cuối năm ngoái (trên VOV2) đã được trở về trong vòng tay yêu thương của gia đình và những người đồng đội.
Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện qua điện thoại với ông Nguyễn Sỹ Động, nguyên Tham mưu trưởng Trung đoàn 165, Sư đoàn 7, Quân đoàn 4 - người đã trực tiếp tham gia vào hành trình này.
VOV: Thưa ông, được biết là hồi cuối tháng 4 vừa qua, việc tìm kiếm hài cốt các liệt sĩ hy sinh tại Cần Lê, Tống Lê Chân đã thành công. Vậy cụ thể quá trình tìm kiếm đã diễn ra như thế nào? Có những đơn vị hoặc cá nhân nào cùng tham gia vào việc tìm kiếm hài cốt các liệt sĩ hay không?
Ông Nguyễn Sỹ Động: Tháng 11, đoàn cử một trinh sát vào, tìm đến vị trí hồi đó là một cái hào chăn vịt mà địch dùng để phát hiện, báo động khi có trinh sát (ta) vào. Khi đánh nhau, địch sử dụng hố đó để đưa hài cốt các liệt sĩ ta vào. Đây là nơi anh em hy sinh nhiều nhất.
Mới đây TT tìm kiếm hài cốt liệt sĩ (GĐ là ông thiếu tưởng Nguyễn Ngọc Doanh) cũng anh em đến đó xác định, sau khi phát hiện được thì tôi vào. Đúng ngày 28/4 bắt đầu khai quật, Quân đoàn 4 tiến hành. Khoảng 170 cán bộ chiến sĩ tham gia. Tìm thấy 4 bi đông khắc tên các liệt sĩ trùng với danh sách, 2 bật lửa, đèn pin… Xương cốt anh em đã hoà tan với đất. Chúng tôi xác định đó đúng là vị trí hào chăn vịt, dài độ 30m. Lấy đất đó, cùng với di vật, cho vào quan tài lớn đưa vào nghĩa trang TP HCM, được ông Lê Hoàng Quân, Chủ tịch UBND thành phố tiếp nhận. Chiều ngày 28/4, đã đưa về, đặt trong phòng chờ để làm lễ.
VOV: Những gia đình thông qua danh sách liệt sĩ mà ông gửi đến Đài TNVN biết được người thân hy sinh tại Cần Lê, Tống Lê Chân có thông tin về cuộc tìm kiếm này và có gia đình nào cùng tham gia hay không ạ?
Ông Nguyễn Sỹ Động: Các gia đình biết tin đã vào và lên Cần Lê để thăm nơi người thân đã hy sinh. Có người lấy nắm đất về để thờ, cũng có người có bi đông (khắc tên), thì chụp (ảnh) lại để trên bàn thờ.
Hiện nay có một vấn đề là theo nguyên tắc, khi không có xương cốt thì phải kiểm tra lại. Chúng tôi đã gặp Cục Chính sách để nhanh chóng triển khai, để xác định, để tiến hành tổ chức truy điệu tập thể. Đã đề nghị cử người vào tiến hành thẩm tra ngay...
VOV: Xin ông nói rõ hơn về nghĩa trang liệt sĩ TP. HCM, dự định sẽ là nơi yên nghĩ vĩnh viễn của các liệt sĩ để những gia đình chưa có điều kiện vào thăm có thể yên tâm sau mấy chục năm tìm kiếm, chờ đợi, mong ngóng tin tức về người thân?
Ông Nguyễn Sỹ Động: Hiện nay, hài cốt để ở nghĩa trang liệt sĩ TP.HCM cách Suối Tiên khoảng 1km, trên đường đi Hà Nội. Nghĩa trang rất lớn, rộng 20ha, hiện mới có 17.000 liệt sĩ nằm ở đó, có những mộ tập thể ghi tên các liệt sĩ ở trên.
46 năm các anh đã ở ngoài sương gió, không hương, hoa; đưa về đây để gia đình gần gũi hơn, dễ thăm hỏi. Sắp tới sẽ thông báo để thân nhân liệt sĩ biết, nếu có điều kiện thì vào, không thì cũng biết rằng Nhà nước, Quân đội đã tiến hành truy điệu; cho gia đình yên tâm. Chúng tôi cũng định phát hành đĩa ghi lại để tặng các gia đình.
Lễ truy điệu xong thì tiến hành thông báo cho toàn thể thân nhân các liệt sĩ được biết người thân có tên ở nghĩa trang liệt sĩ TP.HCM. Sẽ khắc tên liệt sĩ, tuổi, quê quán trên bia mộ.
VOV: Như vậy là hành trình tìm kiếm các liệt sĩ hy sinh tại Cần Lê, Tống Lê Chân đã sắp sửa hoàn thành. Ông có còn nhớ, công việc này đã bắt đầu như thế nào và từ bao giờ hay không ạ?
Ông Nguyễn Sỹ Động: Nếu tính thì từ năm 1995, do người cựu chiến binh của Mỹ đóng ở đó báo cho Đại sứ của ta ở Mỹ; rằng ở Cần Lê có một trận đánh của Trung đoàn Bắc Việt, hy sinh nhiều, chính ông ấy đã chôn ở gần sân bay.
Đại sứ gửi (thông tin) cho quân khu 7, đưa về Tây Ninh tìm suốt mà không thấy. Đến năm 2010, tôi biết nhiều gia đình đi tìm hài cốt liệt sĩ, kg biết hy sinh ở đâu chỉ biết ở chiến trường miền Nam!. Tôi đã đưa 1 gia đình vào Sư đoàn 7 gặp, bắt đầu chính thức đặt vấn đề. Năm 2012, gửi thư cho Đại tướng Phùng Quang Thanh, ông chỉ đạo tiến hành nhưng chưa tìm thấy. Năm 2013 mới thấy và kết quả như đã nói.
VOV: Xin cám ơn ông về tin vui mà ông đã chia sẻ với thính giả của Đài TNVN. Chúc ông luôn khoẻ mạnh và có nhiều niềm vui trong cuộc sống./.