Bên giường bệnh tại Trung Tâm Chống độc- Bệnh viện Bạch Mai, chị Nguyễn Thị Dịu, mẹ của bé Nguyễn Hoàng Đạt (16 tháng tuổi) ở huyện Lục Nam, Bắc Giang kể: Thấy con xanh xao, mệt mỏi, chán ăn, miệng bị nhiệt nên chị đã mua thuốc cam ngoài chợ về cho con uống. Sau một thời gian, cháu bị co giật, gia đình đưa đi bệnh viện mới biết cháu bị nhiễm độc chì trong não.
Chị Nguyễn Thị Hương, mẹ một cháu trai 13 tháng tuổi bị bệnh cho biết: Từ lúc con 4 tháng tuổi, gia đình đã mua thuốc cam để cho vào bột, cháo cho cháu ăn. Khi thấy con bị nôn, co giật cứng người gia đình đưa đến điều trị 10 ngày ở Bệnh viện Nhi, bé hết co giật nhưng không tỉnh táo. Khi xét nghiệm phát hiện lượng chì trong cơ thể bé cao gấp 8 lần bình thường.
TS Nguyễn Kim Sơn - Phó Giám đốc Trung tâm Chống độc- Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Từ đầu năm đến nay, trung tâm đã điều trị cho hơn 130 bệnh nhân nhi bị ngộ độc chì do uống thuốc cam.
Những bệnh nhi này ở 15 tỉnh, thành phố trong cả nước và đặc biệt gia tăng đột biến trong thời gian gần đây.
Theo TS Sơn, ngộ độc chì rất nguy hiểm, vì khi chì vào cơ thể sẽ lắng đọng trong các tổ chức, cơ quan nội tạng, lưu hành tự do trong máu, gây nhiễm độc hệ thần kinh khiến trẻ bị co giật, rối loạn hành vi, ảnh hưởng tới hệ tạo máu gây thiếu máu, còn khi xâm nhập vào xương sẽ khiến trẻ không phát triển chiều cao.
Khi bị nhiễm độc chì, trừ trường hợp với nồng độ thấp, thời gian ngắn thì có thể hồi phục, còn nếu nhiễm nồng độ cao thì dù có điều trị đào thải hết cũng để lại di chứng, ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ cả về thể chất và trí tuệ.
TS Nguyễn Kim Sơn cũng cho biết thêm, trung tâm đã tập hợp và báo cáo lãnh đạo bệnh viện và lãnh đạo Bộ Y tế, báo cáo với Vụ Y học cổ truyền có những công văn gửi xuống các Sở Y tế về thực trạng trên đồng thời cũng khuyến cáo các bà mẹ, gia đình có con nhỏ khi mà các cháu bị bệnh chân tay miệng cũng như là cháu bị còi cọc thì không nên dùng cá loại thuốc cam mà không rõ nguồn gốc./.