Vậy từ đâu mà Hà Tĩnh có được kết quả này trong việc đảm bảo trật tự an toàn giao thông? VOV online phỏng vấn Thượng tá Võ Trọng Hùng – Trưởng phòng Cảnh sát giao thông – Công an tỉnh Hà Tĩnh.
PV: Ông có thể cho biết, Hà Tĩnh đã có giải pháp nào giảm 3 tiêu chí về trật tự an toàn giao thông trong năm 2012?
Thượng tá Võ Trọng Hùng:Hưởng ứng Năm An toàn Giao thông 2012, lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo, trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông năm 2012 phải giảm 15% trên cả ba tiêu chí.
Bởi vậy, ngày từ đầu năm, lực lượng cảnh sát giao thông đã tham mưu cho UBND tỉnh, ban Giám đốc Công an tỉnh một số giải pháp quan trọng.
Cảnh sát giao thông kiểm tra phương tiện |
Ngoài giải pháp tuyên truyền, phối hợp với các khối đoàn thể, chúng tôi tập trung vào hai đối tượng là thanh niên và các doanh nghiệp.
Trong các vụ tai nạn giao thông, đối tượng thanh niên chiếm tỉ lệ 70-80%. Xuất phát con số này, chúng tôi tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức cuộc thi thanh niên với an toàn giao thông. Cuộc thi được đông đảo đoàn viên, thanh niên hưởng ứng. Qua cuộc thi, ý thức của thanh niên, đoàn viên tham gia giao thông được nâng cao.
Đối với trật tự an toàn giao thông trên tuyến Quốc lộ 1A, đặc biệt đoạn qua huyện Kỳ Anh, các phương tiện tham gia rất lớn. Do vậy, chúng tôi tham mưu cho tỉnh, tổ chức các doanh nghiệp vận tải trên địa bàn ký cam kết bảo đảm tuân thủ Luật Giao thông đường bộ. Trong tổ chức thực hiện, chúng tôi yêu cầu các chủ doanh nghiệp phải ký cam kết, quán triệt với đội ngũ lái xe.
Bên cạnh đó, chúng tôi chỉ đạo cho cảnh sát giao thông tỉnh, cảnh sát giao thông cấp huyện tập trung xử lý nghiêm đối với doanh nghiệp, lái xe không thực hiện đúng cam kết.
Sau một thời gian triển khai, đến nay, lực lượng tham gia vận tải trên địa bàn huyện Kỳ Anh thực hiện nghiêm túc, mang lại hiệu quả lớn, ý thức lái xe ngày càng nâng cao.
Ngoài ra, chúng tôi còn phối hợp tuyên truyền qua truyền thông, phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, giao cho các hộ gia đình ký cam kết chấp hành Luật Giao thông đường bộ.
Tất cả các hộ gia đình đều thực hiện ký cam kết gắn với việc đưa vào tiêu chí gia đình văn hóa. Nếu gia đình có người vi phạm Luật Giao thông đường bộ sẽ không đưa vào diện xét gia đình văn hóa.
PV: Đối với vùng nông thôn Hà Tĩnh, việc triển khai thực hiện trật tự an toàn giao thông được thưc hiện như thế nào, thưa ông?
Thượng tá Võ Trọng Hùng:Đối với người dân ở khu vực này, nhận thức về Luật Giao thông đường bộ vẫn còn thấp, nên chúng tôi phải đi vào tuyên truyền cụ thể.
Ví dụ hàng ngày trên loa đài của xã sẽ phát các nội dung tuyên truyền đơn giản cụ thể hợp với nhận thức của người dân. Mỗi ngày các các xã, thôn, xóm đều phát hai buổi.
Thượng tá Võ Trọng Hùng |
Bên cạnh đó, các đơn vị trên địa bàn, thực hiện tổ chức lồng ghép trật tự an toàn giao thông trong các hội họp đoàn thể, thôn xóm tuyên truyền cho người dân biết để chấp hành.
Với người dân quen với sinh hoạt đời thường, việc đi từ nhà ra ruộng rất gần nên đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông là rất hạn chế.
Để người dân ý thức trong việc đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông, ngoài sự vào cuộc của các tổ chức xã hội, chúng tôi còn thực hiện xử lý một số trường hợp làm điểm, thông qua đó nhằm giáo dục cho người dân nhận thức trong triển khai vấn đề này. Việc triển khai Luật An toàn giao thông ở nông thôn không thể một sớm một chiều mà phải làm từng bước một kiểu mưa dầm, thấm lâu.
Đối với vùng nông thôn, chúng tôi còn thực hiện triển khai, đưa lực lượng mạnh về vùng nông thôn. Ban đầu người dân thắc mắc và bỡ ngỡ, nhưng khi mình giải thích cho họ về hiện trạng một số thanh niên nông thôn uống rượu say, đi xe đánh võng, lạng lách dẫn đến tai nạn giao thông, gây hậu quả nghiêm trọng nên lực lượng mạnh này về phối hợp giúp ổn định lại tình hình trật tự, đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn thì nhân dân rất đồng tình ủng hộ.
PV: Còn sự phối hợp của Cảnh sát giao thông với các lực lượng khác nhằm đảm bảo an toàn giao thông và an ninh trật tự thế nào, thưa ông?
Thượng tá Võ Trọng Hùng:Trên các địa bàn trọng điểm, ngoài việc xử lý vi phạm giao thông thì nổi cộm lên một số tiêu cực về trật tự xã hội. Đây là vấn đề nổi cộm mà cảnh sát giao thông cần chung tay cần xử lý.
Chúng tôi xây dựng Kế hoạch 102 phối hợp với các lực lượng cơ động, Cảnh sát 113, Công an tỉnh để tập trung xử lý các hành vi lạnh lách đánh võng, tốc độ, sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông gây rối trật tự nơi công cộng, chống người thi hành công vụ.
Khi đến các địa bàn thì chúng tôi tập trung đánh mạnh vào các đối tượng. Sau khi bắt giữ sẽ chuyển giao cho công an huyện tập trung xử lý.
Kế hoạch 102 như hình thức 141 của Hà Nội nên khi đến đâu chúng tôi chúng tôi làm dứt điểm đến đó.
Quá trình thực hiện Kế hoạch 102, khi chúng tôi xuống địa bàn đã thu giữ được một số loại dao kiếm, heroin, xe trộm cắp, các loại xe không giấy tờ. Khi bắt giữ xong, chúng tôi chuyển giao cho cảnh sát hình sự xử lý. Kế hoạch 102, triển khai đã nhận được sự đồng tình ủng hộ của nhân dân và chính quyền.
Trong quá trình chỉ đạo thực hiện, chúng tôi không làm theo lịch trình cụ thể. Có thể hôm nay chúng tôi xuất hiện ở địa bàn này nhưng ngay mai chúng tôi lại xuất hiện ở địa bàn khác. Vừa đấu tranh, vừa ngăn ngừa các hành vi của đối tượng tham gia, tôi thấy rằng, qua kinh nghiệm triển khai thực hiện, chỉ đạo Kế hoạch 102 mang lại hiệu quả cao.
PV: Xin cảm ơn ông!./.