Sự cố sập cầu treo Chu Va 6, xã Sơn Bình, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu làm 8 người chết, 38 người bị thương khiến nhiều người không khỏi lo lắng về những sự cố tương tự có thể xảy ra. Không riêng ở Lai Châu, còn rất nhiều tỉnh miền núi khác, những cây cầu treo dân sinh qua sông, suối chưa có hướng dẫn cụ thể về quy trình vận hành, thông tin sử dụng cầu chưa thật ngắn gọn, dễ hiểu với đồng bào.

sap-cau.jpg
Hiện trường vụ sập cầu treo Chu Va 6, xã Sơn Bình, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu

Đặc biệt, khi được hỏi về tải trọng cầu, hầu hết người dân địa phương đều không hiểu. Có người cho rằng: “Nếu cây cầu ghi trọng tải 1,5 tấn như thế thì sẽ hiểu là cây cầu kia nặng 1,5 tấn thì sao? Ví dụ nói cây cầu này chỉ cho 10 người đi cùng một lúc thì nhiều người biết”.       

Trong chuyến thị sát hiện trường vụ sập cầu treo vào sáng 25/2, nhìn cây cầu, điều đầu tiên Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng lưu ý với địa phương: Biển báo thông tin về cây cầu quá nhỏ và đặt quá cao. Điều này khiến đồng bào thiếu thông tin cần thiết về cây cầu.

Ông Trần Xuân Sanh, Cục trưởng Cục quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông, Bộ Giao thông Vận tải cũng cho rằng, ngoài cụ thể hóa về trọng tải cầu cần có những thiết bị báo động tại cầu treo dân sinh, bởi cả nước hiện nay, mỗi địa phương có đến hàng trăm cây cầu treo như vậy.

“Trọng tải 1,5 tấn cần phải cụ thể hóa là tương đương với bao nhiêu người và phải có thiết bị báo động. Có hai cái đó là kiểm soát được số lượng người đi qua và có còi báo thì chắc chắn sẽ làm được”, ông Trần Xuân Sanh khẳng định.

Kiểm tra hiện trường tìm nguyên nhân gây sập cầu

Trang bị kiến thức ngắn gọn, dễ hiểu với đồng bào địa phương là điều mà ông Nguyễn Văn Thuấn, Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông Quốc gia thấy cần thiết nhất hiện nay. Bởi ở mỗi thôn bản, không chỉ có việc tang ma, mà có thể vào phiên chợ hoặc trường học có cầu treo qua suối mà không có biển hướng dẫn thì có thể gặp tình trạng tương tự.       

Ông Nguyễn Văn Thuấn nói: “Chúng ta chưa quan tâm hướng dẫn cho những người dân ở vùng sâu, vùng xa cách thức để sử dụng cầu đúng cách. Điển hình là vụ tai nạn này nói lên rằng người dân ở đó chưa được trang bị về việc sử dụng cầu treo. Ngoài việc xác định tải trọng và đóng biển tải trọng, cần có hướng dẫn và hướng dẫn sử dụng này phải làm sao ngắn gọn, dễ hiểu”.

Chủ tịch UBND huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu Hoàng Thọ Trung cho hay, hiện tại trên địa bàn có rất nhiều cầu treo dân sinh. Có cái mới đưa vào sử dụng, có cái làm đã lâu. Thực tế từ vụ sập cầu treo Chu Va, địa phương sẽ chỉ đạo các thôn, bản tuyên truyền đến người dân đặc biệt lưu ý không qua cầu khi có đông người.

Cùng với khắc phục hậu quả vụ sập cầu, trước mắt tỉnh Lai Châu cần sớm tổng kiểm tra lại toàn bộ cầu treo dân sinh trên địa bàn để có những cảnh báo, hướng dẫn sử dụng cầu cho bà con./.