Theo Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam, hiện nay ngập lụt ở TP Cần Thơ năm sau thường cao hơn năm trước diễn ra trên khắp các quận huyện khi triều cường lên hoặc mưa lớn. Ngập nghiêm trọng nhất là các quận Ninh Kiều, Bình Thủy và Cái Răng có lúc ngập sâu từ 30-40 cm trong thời gian dài. Hiện nay toàn thành phố có gần 100 điểm ngập; riêng quận Ninh Kiều là 63 điểm ngập úng do mưa và triều cường dâng.

Nguyên nhân của tình trạng ngập lụt được các chuyên gia cho xác định là liên quan đến đặc điểm tự nhiên, chế độ thủy văn, quy hoạch đô thị, phát triển cơ sở hạ tầng; ý thức cộng đồng và biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Chính vì vậy, giải pháp đầu tư xây dựng các công trình nhằm kiểm soát lũ, triều, tiêu úng bằng hệ thống đê bao, các cống dưới đê, van ngăn đồng thời kết hợp các trạm bơm để tiêu nước ra sông được đề cập.

ngap_can_tho_pwei.jpg

Đường phố Cần Thơ ngập do triều cường.

Đặc biệt, phương án chống ngập úng phải kết hợp hài hòa giữa giải pháp công trình cứng – công trình mềm và giải pháp phi công trình. Theo đó, dự vào kết quả tính toán thủy lực, kinh tế, tác động môi trường và tính khả thi thì phương án: ngăn lũ triều bằng bao lớn vùng trung tâm TP Cần Thơ dọc theo sông Hậu được chọn làm phương án thực hiện quy hoạch thủy lợi chống ngập úng tại TP Cần Thơ.

Tuy nhiên, theo ông Kỷ Quang Vinh, Chánh Văn phòng công tác biến đổi khí hậu TP Cần Thơ cho biết, việc chống ngập là việc làm mang tính khoa học cao, do vậy phải tùy vào những nguyên nhân để đưa ra các giải pháp. Phương án hiện nay còn mang tính đơn lẻ không thể đại diện cho tất cả các khu vực ngập lụt trên địa bàn thành phố. Vì vậy khó có thể đem lại hiệu quả cao: “Để giải quyết được vấn đề ngập ở Cần Thơ thì chúng ta phải tùy vào từng vùng, từng nguyên nhân để có những giải pháp khác nhau. Thậm chí có vùng cần những giải pháp tổng hợp. Đồng thời, có một điểm lưu ý là chúng ta không thể làm khô ráo thành phố theo ý muốn chúng ta được mà chỉ làm giảm thiệt hại. Cho nên đôi khi chúng ta phải dùng một biện pháp khác là “hy sinh” tức là nếu có những trận mưa, trận lũ lớn sẽ làm đô thị bị ngập thì chúng ta sẽ mở những vùng nông thôn, vùng trũng để lũ, để nước vào đó như vậy sẽ giảm được thiệt hại cho đô thị và tìm cách để hỗ trợ cho nông thôn”./.