Tình trạng sạt lở bờ sông Quảng Huế tại thôn Phước Yên, xã Đại An, huyện Đại Lộc diễn ra nghiêm trọng, uy hiếp trực tiếp đến tính mạng, đời sống người dân nơi đây.

Bão số 11 và những trận bão, lũ trước đó đã làm cho bờ sông tại khu vực thôn Phước Yên, xã Đại An, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam sạt lở một đoạn dài hơn một cây số. Nhiều bụi tre người dân trồng dọc theo bờ sông cách đây hơn chục năm đã bị dòng nước xói sâu dưới gốc, bứng cả bụi ra giữa dòng sông…

sat-lo-dat.jpg
Mùa mưa lũ mỗi năm, thôn Phước Yên (xã Đại An) mất đi hàng chục mét đất vì sạt lở (Ảnh: Báo Quảng Nam)

 Ông Nguyễn Hữu Cấn đã sống ở thôn Phước Yên hơn 50 năm nay, cho hay, trong 2 trận lụt vừa rồi đã làm cho bờ sông tiếp tục sạt lở nặng nề, nhiều chỗ dòng sông lấn sâu vào đất sản xuất đến vài chục mét đã làm cho nhiều tích hoa màu của người dân đổ hết xuống sông. Không chỉ mất đất sản xuất, tình trạng sạt lở bờ sông đang đe dọa tính mạng và tài sản của hơn 200 hộ dân nơi đây, trong đó, 1/3 nhà dân đang cách bờ sông chừng vài chục mét.

Ông Nguyễn Hữu Cấn, thôn Phước Yên, xã Đại An, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam lo lắng: Trước kia, những nhà thờ đều bị sạt lở hết xuống sông rồi sau đó làm kè thì dòng chảy ngược đi… Lũ lụt năm nay bắt đầu gây sạt lở tiếp. Dân làng ở đây trồng lũy tre dày đặc để chống lỡ, chống dòng chảy nhưng bây giờ các lũy tre này đều bị xói lở xuống sông. Nhân dân ở đây sống ở đây không được.

Tình trạng sạt lở bờ sông Quảng Huế tại thôn Phước Yên, xã Đại An, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam diễn ra đã vài năm nay, mỗi năm sông càng ăn sâu vào bờ. Chính quyền từ huyện đến xã đã cảnh báo với người dân và có kế hoạch sơ tán khi lũ lớn xảy ra. Ông Trịnh Minh, Bí thư Đảng ủy xã Đại An, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam cho biết: Hiện nay, tình trạng sạt lở rất là nguy cho nhân dân ở khu vực này. Qua cơn lũ vừa qua đã sạt lỡ thêm 1,5 m và dài 60 m. Hiện nay tiếp tục sạt lở, nếu mà không kè thì sẽ ảnh hưởng đến nhân vả thôn Phước Yên này.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Phước Thanh cho biết, hiện UBND tỉnh đã chỉ đạo cho các cơ quan chức năng nghiên cứu, khảo sát, lập dự án đầu tư và làm văn bản đề nghị Trung ương hỗ trợ khoảng 40 tỷ đồng để xây dựng tuyến kè kiên cố tại khu vực thôn Phước Yên, xã Đại An, huyện Đại Lộc. Tỉnh Quảng Nam cũng chỉ đạo các cơ quan chức năng nhanh chóng khảo sát thực tế, có giải pháp cho kè khẩn cấp một số đoạn thiết yếu để bảo vệ dân cư.

Ông Lê Phước Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng: “Kè Phước Yên này đã sạt lở cách đây 2-3 năm, nhưng mà khi lập dự toán thì chưa có nguồn kinh phí chưa tập trung đầu. Vừa rồi, địa phương đã về trực tiếp kiểm tra và cũng có đề nghị Trung ương xin nguồn kinh phi nhưng cấp trên cũng đang cũng khó khăn… Qua đợt lũ này, địa phương sẽ tập trung chống xói lở bằng cách làm kè tạm, sau đó làm kiến cố, nếu không sẽ ảnh hưởng rất là lớn.

Trước tiên, chính quyền địa phương cần cắm biển báo nguy hiểm không cho người dân đến khu vực đang sạt lở; đồng thời có biện pháp ngăn chặn tốc độ sạt lở nhằm bảo vệ đất sản xuất, bảo vệ tính mạng của các hộ dân nằm sát mép sông./.