Vừa chập chững bước vào nghề, kinh nghiệm còn ít, những phóng viên trẻ, những sinh viên trường báo đã phải gặp vô vàn khó khăn khi tác nghiệp. Thế nhưng họ lúc nào cũng tràn đầy nhiệt huyết muốn được cống hiến nhiều hơn nữa cho con đường mà mình đã lựa chọn. Mỗi người đến với nghề báo theo một cách khác nhau nhưng tất cả những còn đường ấy đều mang tên đam mê.

Hàn Thị Ngọc Hảo (Phóng viên đài PT - TH Hưng Yên): Đến với nghề báo như một cơ duyên

60606_595664927111094_1564448976_n.jpg
Hàn Thị Ngọc Hảo trong một lần tác nghiệp tại HV Kỹ thuật Quân sự

Tôi vừa ra trường, mới vào làm tại Đài PT-TH Hưng Yên chưa đầy 1 năm. Là dân khối A, tôi thi vào trường báo chỉ là một sự lựa chọn ngẫu nhiên nhưng cũng thật may mắn khi tôi thi đỗ. Vào nghề, với những lần thực tế tác nghiệp đã khiến tôi thực sự yêu thích nghề báo và hiểu rằng đó là công việc vất vả, nguy hiểm nhưng lại đầy hạnh phúc.

Đến giờ tôi vẫn không quên được niềm vui sướng khi lần đầu tiên có bài báo được đăng trên báo Dân Trí. Đó là bài báo viết về một người bạn đã đạt giải trong cuộc thi “Chim én – Chắp cánh thiện nguyện”. Khi chưa có quá nhiều kinh nghiệm, lúc phỏng vấn tôi thấy bối rối, nhiều khi không diễn đạt được ý mình muốn hỏi. Phỏng vấn nhân vật xong, cả đêm hôm đó tôi đã thức, sửa thật kĩ và gửi báo. Và thật bất ngờ là ngay hôm sau bài được đăng ngay mà không bị sửa.

Ngoài những hạnh phúc, nghề báo nhiều khi phải hi sinh. Nhất là đối với con gái, sự nỗ lực cố gắng càng phải nhiều. Tôi nhớ nhất khi viết tin về chương trình biểu diễn của nghệ sĩ Đào Anh Khánh, trong lúc sơ ý đã bị bỏng ở gần lông mày. Hay lần phải đi điều tra viết bài về câu rùa hồ Gươm, phải đi đến lần thứ 3 mới viết xong bài, mới tìm được người để phỏng vấn và chụp được ảnh... Tất cả những điều này muốn vượt qua được chỉ có động lực duy nhất là tình yêu với nghề.

Nghề báo là một nghề hấp dẫn, đầy sự khám phá nhưng cũng đầy hiểm nguy. Hào quang cũng có mà đau khổ cũng không thiếu. Để có thể trụ vững và sống được với nghề báo đòi hỏi bản thân không chỉ có tư tưởng chính trị vững vàng mà còn phải tỉnh táo, biết cách bảo vệ mình, bảo vệ nhân vật và không được hiếu thắng.

Điều quan trọng nhất với người làm báo chính là cái tâm. Tâm không vững thì lòng khó trong. Bên cạnh đó, cũng phải tự trang bị kiến thức, hiểu biết công nghệ và luôn biết mình đang làm gì để không bị sa ngã.

Trần Thành Công - Phóng viên Tạp chí điện tử Khám phá: “Quan trọng nhất là tình yêu nghề”
Chính thức trở thành phóng viên Tạp chí điện tử Khám phá chưa được bao lâu nhưng với tôi, nghề báo là nghề mà tôi đã ước mơ được theo đuổi từ khi còn là học sinh cấp 2. Mỗi khi thấy các anh chị phóng viên, biên tập viên xuất hiện trên tivi hay khi thấy họ tác nghiệp tại hiện trường, lòng tôi lại tràn đầy hào hứng và thầm nghĩ sẽ cố gắng để một ngày nào đó sẽ được như họ.
Trần Thành Công - Phóng viên Tạp chí điện tử Khám phá
Tôi từng làm cho một tờ báo điện tử trong suốt quá trình học đại học trong lĩnh vực kinh tế, tiêu dùng. Nhờ thời gian cộng tác này mà tôi cảm thấy không bị bỡ ngỡ khi đi làm sau tốt nghiệp. Đến giờ, khi đã ra trường được một năm, con đường trở thành một nhà báo giỏi còn nhiều chông gai nhưng tôi vẫn luôn ý thức được trách nhiệm và đạo đức với nghề. Đây là nghề nguy hiểm đòi hỏi sự tỉnh táo, cẩn trọng và chuẩn xác.
Với nghề báo quan trọng nhất là tình yêu nghề. Nếu không có tình yêu nghề thì bạn khó có thể lặn lội để săn tin, viết bài dưới trời nắng cháy hay mưa gió bão bùng. Vừa mới vào nghề, chưa trải qua nhiều gian khổ như các anh chị làm báo kỳ cựu nhưng theo tôi, tình yêu nghề sẽ là động lực tốt nhất để vượt qua những khó khăn lúc tác nghiệp.

Tôi muốn theo đuổi nghề báo lâu dài, muốn được cống hiến hết cả sức lực, tình yêu nghề và khả năng để có những tác phẩm báo chí giá trị đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công chúng.

Dương Hương Thảo (SV năm cuối - Học viện Báo chí & Tuyên truyền): “Đến với nghề báo để khám phá những điều mới mẻ”

Tôi đến với trường báo với đam mê tìm hiểu cuộc sống và khám phá những điều mới mẻ. Sau mỗi lần tác nghiệp, tôi lại có thêm những người bạn mới, mỗi trải nghiệm mới mà nếu không làm báo thì tôi sẽ không bao giờ có được. Điều đáng nhớ nhất là một bài viết của tôi trên VOV Online về một cháu bé bị mắc bệnh u máu. Sau khi bài đăng đã nhận được rất nhiều sự chia sẻ của mọi người.

Ngày trước tôi nghĩ chỉ cần học tốt trong trường là ra có thể trở thành một nhà báo. Nhưng sau quá trình thực tập và thực tiễn, những suy nghĩ trước đây đã không còn. Ngoài quá trình học tập, tôi phải làm quen và cọ sát sớm với nghề để những lý thuyết học trong trường không phải là lý thuyết suông.

Với một người mới chập chững bước vào nghề như tôi, quá trình tác nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là với nữ giới, khó khăn còn nhân lên gấp bội. Đã vài lần tôi bị giật máy ảnh, bị gây khó dễ trong khi đang tác nghiệp. Nhưng điều quan trọng là tôi luôn cố gắng vượt qua để hoàn thành bài viết của mình.

Được làm báo là ước mơ từ lâu của bản thân tôi. Tôi mong muốn mình có thể trở thành một nhà báo giỏi trong mảng phóng sự và điều tra xã hội. Tôi sẽ theo đuổi nghề này sau khi tốt nghiệp dù biết con đường phía trước còn nhiều khó khăn.

Vũ Văn Hùng (sinh viên K54, khoa Báo chí và truyền thông, ĐH KHXHNV): “Chót phải lòng nghề báo”

Qua những trang báo tình cờ đọc được và qua những câu chuyện, những số phận, những vụ án ly kỳ được đăng trên các phương tiện truyền thông đã thôi thúc tôi quyết định thi báo chí với mong ước được trở thành một nhà báo để có thể đưa những vấn đề, sự việc, số phận cũng như những bí ẩn khuất tất cho công chúng được biết.Thế nhưng, khi bắt tay vào làm báo rồi tôi mới biết giữa lý thuyết và hiện thực có một khoảng cách khá xa. Để có một tác phẩm báo chí hay cần rất nhiều sự hy sinh. Đặc biệt, với những người trẻ mới vào nghề khó khăn còn tăng lên gấp bội. Những sinh viên học báo ra trường ít người theo đuổi được nghề nếu như chỉ ngồi đọc sách và theo đuổi những lý tưởng màu hồng qua bài vở. Nhưng chính những khó khăn ấy lại là sức hút của nghề báo. Càng khó khăn tôi càng thấy yêu nghề hơn và quyết tâm theo đuổi đến cùng.

Vũ Văn Hùng - “Chót phải lòng nghề báo”

Nghề báo là nghề gian khó nhưng cũng như tình yêu, đã chót phải lòng thì phải yêu đến cùng. Sau này tôi muốn trở thành một nhà báo chuyên viết về phóng sự hoặc nhà báo đa năng: vừa có thể làm phim lại vừa có thể viết lách.

Bùi Uyên (sinh viên K55, khoa báo chí truyền thông, ĐH KHXHNV): “Mỗi lần được đăng bài là một lần vui”

Tôi chọn vào ngành báo chí vì muốn gặp nhiều người, đi nhiều, hiểu biết nhiều. Lần đầu tiên được đăng bài, tôi vui lắm, sau này cũng vậy. Chính niềm vui từ những lần được đăng bài đó càng làm tôi thêm yêu và quyết tâm theo đuổi nghề làm báo. Hay mỗi khi đi lấy tin, đi viết bài, bạn bè giới thiệu rằng mình là phóng viên của một tờ báo nào đấy thì cảm giác cũng khá thích thú và tự hào. Nhưng “ánh hào quang” đó phải trả giá bằng vô vàn khó khăn mà tôi gặp phải khi tác nghiệp.

Mới vào nghề, đang còn là sinh viên chưa có nhiều kĩ năng giao tiếp, không có giấy giới thiệu nên rất dễ gặp sự từ chối tiếp xúc từ nhân vật. Không ít lần nhân vật không đồng ý cho tôi phỏng vấn hoặc nhiều lần hẹn gặp không được. Hơn thế nữa tôi còn trẻ nên có nhiều hạn chế về các kiến thức chuyên ngành xã hội. Rồi tôi cũng tự hỏi tại sao người khác làm được mà mình không làm được, hỏi những người đi trước, các anh chị đã từng tác nghiệp để có thêm kinh nghiệm.

 

Bùi Uyên: "Tôi quyết theo đuổi nghề này đến cùng"

Nghề báo cũng mang lại cho tôi thêm nhiều kinh nghiệm, sự hiểu biết, vốn sống... Mỗi lần tôi đi gặp một người, một nhân vật, tìm hiểu về một vấn đề, tôi lại càng thấy mình “giàu có” hơn.

Đã có lúc muốn buông xuôi, hay có lúc tôi cũng suy nghĩ lại xem mình có thực sự thích nghề báo này không. Tôi cũng mất một thời gian nghỉ viết, đi phượt, đi làm tổ chức sự kiện. Nhưng rồi sau khi cầm bút trở lại, trong mình vẫn vẹn nguyên cảm xúc ngày nào và giờ tôi quyết theo đuổi nghề này đến cùng./.