“Tưởng như đã không còn sống được”
Như VOV.VN đã đưa tin, khoảng 5h ngày 16/12, chiếc thuyền chở ngao và 13 người (trong đó có 12 nữ và 1 nam) ở xã Nam Thịnh, huyện Tiền Hải, Thái Bình đang trên đường vào bờ thì bị chìm. Vụ đắm thuyền đã làm 6 người thiệt mạng.
Trong căn nhà nhỏ ở thôn Thiện Tường, xã Nam Thịnh, bà Nguyễn Thị Ruyên (55 tuổi) – người may mắn sống sót sau vụ chìm thuyền đang nằm trên giường để cô con gái xoa dầu. Vẻ mặt tái nhợt, trông bà Ruyên vẫn còn rất yếu.
Chứng kiến vụ chìm thuyền kinh hoàng cướp đi sinh mạng của 6 người, chủ yếu là phụ nữ, dường như bà Ruyên vẫn chưa tin mình vừa từ “cõi chết” trở về trong buổi sáng định mệnh. Bà thều thào nói: “Tưởng như tôi đã không còn sống được nữa”.
Như thường ngày, khoảng 16h ngày 15/12, bà Ruyên cùng 12 người trong thôn, chủ yếu là họ hàng, thân thích đi trên chiếc thuyền gỗ gắn máy, không có bảo hộ lao động do anh Đinh Văn Sĩ (24 tuổi) cầm lái, chở ra bãi ngao để cào thuê cho chủ vựa.
Đến tối, chiếc thuyền ra đến bãi ngao. Trời về khuya, nước biển rút xuống, cái rét như cắt da cắt thịt khiến ai nấy đều cố gắng làm việc cho nhanh để được về sớm. Đến sáng sớm, chiếc thuyền đã đầy ắp ngao (khoảng 2 tấn) quay về bờ.
“Khoảng 5h, thuyền đang chạy bỗng dưng chìm mũi tàu. Sau đó tôi nghe tiếng hô “Thuyền chìm rồi! Thuyền chìm rồi!”. Mọi người xô vào nhau kêu cứu, cố gắng giữ lấy thuyền vì chỉ còn cách đám sú vẹt khoảng 100m. Sau đó thuyền chìm dần, chìm dần, tất cả mọi người cũng rơi xuống nước chới với”, bà Ruyên kể lại.
Bà Ruyên nắm chặt tay một người phụ nữ, vật lộn giữa dòng nước buốt lạnh. Vì giá lạnh nên mọi người đều đi ủng, mặc áo mưa chống rét rộng lùng thùng nên khi xảy ra tai nạn lại khó bơi dù rất gần bờ. Sau một hồi vật lộn với “tử thần”, người phụ nữ đi cùng bà Ruyên đã kiệt sức và chìm xuống biển. Dùng chút sức lực còn lại, bà Ruyên chới với kêu cứu, rất may một người dân đi mủng ra cứu kịp thời và đưa bà Ruyên vào bờ.
“Thấy chị bạn buông tay tôi ra, lúc đó tôi quá hoảng sợ, nghĩ mình cũng sẽ không sống được nên phó mặc cho số phận. Nhưng cũng rất may là có người đến cứu kịp thời, nếu chậm thêm tí nữa, chắc giờ này tôi không còn ngồi đây nói chuyện được”, nói đoạn, nước mắt bà như trực trào ra.
Theo bà Ruyên, thực tế nơi chiếc thuyền chìm chỉ cần bơi vài chục mét là tới vùng nước nông có thể tự đi vào bờ. Tuy nhiên, vụ việc xảy ra trong lúc trời chưa sáng tỏ, nhiều người không nhìn thấy đường, cộng với việc cả đêm làm việc vất vả nên hầu hết mọi người đều đuối sức.
Bà Ruyên cho biết, vợ chồng bà sinh được 4 người con, đứa con gái út đang học lớp 7. Chồng bà hơn 10 năm nay ốm đau triền miên, nên mọi sinh hoạt gia đình chủ yếu phụ thuộc vào sức lao động của bà. Cuộc sống khó khăn với với thu nhập từ đồng ruộng bấp bênh, nên tranh thủ lúc nông nhàn, bà Ruyên đi cào ngao thuê kiếm thêm thu nhập. Mỗi ngày đi làm thuê như vậy, bà được chủ vựa trả công hơn 100.000 đồng.
“Bình thường thuyền đó vẫn chở được khoảng 3 tấn ngao với nhiều người nhưng lần này chỉ có 13 người với ngót 2 tấn ngao, không hiểu sao thuyền lại bị chìm như thế. Đời cào ngao thuê cực lắm, nhưng vì hoàn cảnh khó khăn nên chúng tôi vẫn phải làm để có thu nhập”, bà Ruyên nghẹn ngào.
“Rối quá nên không biết làm gì”
Nhắc tới vụ chìm thuyền khiến 6 người thiệt mạng, dường như người dân xã Nam Thịnh vẫn chưa hết rùng mình. Ngày 16/12 đã trở thành ngày tang thương đối với vùng quê vốn yên bình này.
Bà Nguyễn Thị Huệ (56 tuổi) cứ hết nằm rồi lại ngồi, thỉnh thoảng bà nấc lên thành tiếng khi nghĩ tới những người hàng xóm cùng đi cào ngao vào đêm hôm trước đến nay đã thiệt mạng. Người phụ nữ 56 tuổi này là 1 trong 7 người may mắn sống sót sau vụ chìm thuyền chở ngao. Bà Huệ không nói được nhiều do sức còn yếu, bụng còn chướng vì uống quá nhiều nước khi gặp nạn.
Bà Huệ vẫn chưa hết bàng hoàng về tai họa bất ngờ ập xuống đối với những người đi cào ngao thuê có kinh nghiệm hàng chục năm nay như bà.
Bà kể: Vì cả đêm làm việc cật lực nên mọi người đều thấm mệt nên ngồi sát vào nhau để giữ hơi ấm. Trên thuyền có người ngủ, người thức thì bỗng nhiên, chiếc thuyền tròng trành khi cách bờ không còn xa.
“Ai nấy cứ bấu víu vào nhau, hoảng hốt khóc lóc. Rối quá, chúng tôi không biết làm thế nào. Sau đó chúng tôi chìm dần theo thuyền. Mấy người xung quanh tôi lả đi thì tôi ngoi lên được và bơi vào đám sú vẹt, cứ bám ở đó đến khi có chiếc mủng đi tới, có người cứu rồi cho tôi vào bờ”, bà Huệ nhớ lại.
Bà Huyền đi cào ngao thuê từ khi còn nhỏ. Trên những chiếc thuyền chở bà đi làm thuê đều không có bảo hộ lao động hay áo phao. Theo bà, với kinh nghiệm làm công việc này hàng chục năm nay nhưng tai nạn bất ngờ khiến những người lao động như bà không kịp trở tay.
Tuy nhiên, cũng như bà Ruyên, khi nhắc tới việc có tiếp tục làm công việc này, bà Huệ ứa nước mắt: “Khỏe lên thì lại đi làm thôi. Mưu sinh chứ chúng tôi cũng không biết phải làm gì!”./.