Công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại trên địa bàn các tỉnh, thành phố đã đạt được nhiều kết quả rất đáng ghi nhận, góp phần ổn định thị trường, thúc đẩy kinh tế đất nước phát triển.

Xử lý không xuể

Theo báo cáo (chưa đầy đủ) của 56 Ban Chỉ đạo 127 các tỉnh, thành phố trong 10 năm từ 2001 đến 2010, các lực lượng chức năng đã kiểm tra gần 3,6 triệu vụ, xử lý 1,9 triệu vụ vi phạm với tổng số tiền thu trên 28.252,2 tỷ đồng, trong đó xử phạt hành chính 4.568,2 tỷ đồng, phạt và truy thu thuế 17.936,9 tỷ đồng, trí giá hàng vi phạm 5.74,1 tỷ đồng.

Tuy nhiên, các kết quả kể trên chưa làm hài lòng những người làm nhiệm vụ chống buôn lậu, gian lận thương mại bởi tình hình buôn lậu, gian lận thương mại vẫn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến tình hình kinh tế-xã hội trong nước.

Thu giữ vải nhập lậu từ Trung Quốc (ảnh congannghean)

Với các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP HCM... thì thực sự đã trở thành những điểm nóng tập kết, trung chuyển của nhiều loại hàng hóa từ nước ngoài nhập lậu vào Việt Nam. Ông Nguyễn Văn Nông - Trưởng phòng cảnh sát kinh tế (PC16), Công an TP Hà Nội cho biết: Tính chất hoạt động của các đối tượng manh động, liều lĩnh, có dấu hiệu bảo kê của các băng nhóm tội phạm hoạt động theo kiểu xã hội đen, chống đối quyết liệt khi bị các cơ quan chức năng kiểm tra, kiểm soát.

Ông Nguyễn Hùng Dũng - Cục trưởng Cục quản lý thị trường (Bộ Công thương) cho biết: Các phần tử buôn lậu lợi dụng chính sách miễn giảm thuế đối với chính sách miễn giảm thuế đối với cư dân biên giới theo Quyết định 254/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và một số qui định chưa thật chặt chẽ trong việc quản lý hoá đơn, chứng từ hàng hoá để thu gom hàng hoá, hợp thức hoá hàng hàng nhập lậu vận chuyển vào sâu trong nội địa để tiêu thụ. Các hành vi gian lận thương mại những năm qua diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Phương thức thủ đoạn thường là quay vòng hoá đơn chứng từ; mua bán hoá đơn để hợp thức hoá hàng nhập lậu, gian lận trong việc kê khai giá trên hoá đơn bán hàng để giảm thuế gia trị gia tăng, không xuất hoá đơn chứng từ; vận chuyển hàng lậu để trốn thuế. Tình trạng sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có xu hướng gia tăng ở tất cả các ngành các lĩnh vực.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Hùng Dũng cũng thẳng thắn nêu những hạn chế trong công tác kiểm tra giá, chống đầu cơ, găm hàng do việc xác định hành vi và nguyên nhân của hành vi đó phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố chủ quan, khách quan như: xác định giá đầu vào, các yếu tố cấu thành giá, qui định về giá bình ổn đối với các mặt hàng của từng địa phương… Các lực lượng chủ yếu vẫn là kiểm tra và xử phạt đối với hành vi không niêm yết giá.

Nêu rõ hơn về một thực tế khiến công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại chưa đạt được hiệu quả như mong muốn, ông Đỗ Thanh Hoà – Giám dốc Sở Công thương, Phó Ban chỉ đạo 127 tỉnh Tây Ninh cho biết: “Có doanh nghiệp biết có hàng giả nhưng không dám nói, với lý do sợ người tiêu dùng nghi ngờ và sẽ tẩy chay chính sản phẩm của công ty mình để chọn một mặt hàng khác thay thế”.

Xử lý vi phạm còn hạn chế

Sau 10 năm đi vào hoạt động của Ban chỉ đạo 127, tình hình buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại đã có những chuyển biến rõ rệt. Số vụ kiểm tra, phát hiện vi phạm và số tiền phạt, truy thu đã tăng lên rõ rệt. Chỉ tính riêng tổng số tiền truy thu đã tăng từ 2,13 tỷ đồng (năm 2008) lên 2.659,7 tỷ đồng.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Hùng Dũng cũng thẳng thắn thừa nhận công tác kiểm tra, kiểm soát có lúc còn chậm, nhiều đường dây, ổ nhóm vẫn còn hoạt động, nhiều đối tượng cầm đầu chưa bị xử lý nghiêm minh, chưa tạo được bước đột phá và tiếng vang trong cộng đồng. Bên cạnh đó, việc xử lý các vi phạm chủ yếu ở khâu lưu thông; ngành chức năng chưa đề xuất được các giải pháp xử lý bài bản, mang tính chiến lược. Sự phối hợp giữa các ngành chưa thật chặt chẽ, mang tính cục bộ của từng lực lượng, từng địa phương, thậm chí còn chồng chéo.

Trong khi phương thức, thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu ngày một tinh vi, sử dụng các phương tiện kỹ thuật hiện đại thì lực lượng kiểm tra, kiểm soát thiếu về số lượng, kinh phí, phương tiện nghiệp vụ chưa đáp ứng được yêu cầu công việc. Trong công tác chống hàng giả, còn thiếu kinh nghiệm thực tế trong nhận biết, phát hiện, khai thác, phân tích thông tin với hàng hóa vi phạm.

Điều quan trọng nữa là hệ thống pháp luật về đấu tranh chống buôn lậu, sản xuất buôn bán hàng giả và gian lận thương mại chưa hoàn thiện, nhiều lĩnh vực còn chồng chéo, không đồng bộ, thiếu cụ thể; một số văn bản pháp luật cũ chưa được thay đổi bổ sung.

Buôn lậu qua đường hàng không gia tăng, chủ yếu là các mặt hàng có giá trị kinh tế cao (ảnh minh hoạ, nguồn KT)

Lấy dẫn chứng cho việc văn bản không phù hợp với tình hình thực tiễn, ông Đỗ Thanh Hoà cho biết, Thông tư số 13 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn việc kiểm tra an toàn thực phẩm hàng hóa có nguồn gốc thực vật nhập khẩu đã khiến cho tình trạng buôn lậu tiểu ngạch các mặt hàng như sắn, tiêu, điều, mè... gia tăng. "Khu vực phía Bắc Tây Ninh nóng nhất là tình trạng buôn lậuhàng nông sản, do qui định của chúng ta bây giờ là phải đăng ký xuất xứ hàng hoá nên doanh nghiệp không nhập được hàng, phải chuyển qua lấy hàng từ những nhóm buôn lậu đường tiểu ngạch. Nhu cầu về các loại nông sản này của chúng ta là có thật vậy mà Thông tư 13 đã gây khó khăn cho chính chúng ta. Các địa phương đang mong văn bản này sẽ sớm được sửa đổi" - ông Đỗ Thanh Hòa nói.

Ông Đỗ Thanh Hoà cũng nhấn mạnh việc phải tăng cường tính răn đe, xử lý. Bởi những năm qua, Tây Ninh là điểm nóng về buôn lậu thuốc lá. Tình trạng này hiện nay đã giảm hẳn, chỉ còn thưa thớt một vài đối tượng. Lý do là, các cơ quan chức năng đã được phép nâng hình phạt buôn lậu thuốc lá vào xử lý hình sự. Các lực lượng chức năng căn cứ vào số lần vi phạm hành chính để xử lý hình sự nên tình trạng buôn lậu thuốc lá không còn diễn ra ngang nhiên như trước và giảm rõ rệt.

Thời gian tới, theo Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng, sự cạnh tranh ngày càng gay gắt trong điều kiện kinh tế hội nhập đã và đang ảnh hưởng không nhỏ đến sự ổn định của nền kinh tế nước ta. Việc mở rộng giao lưu với các nước trong khu vực và trên thế giới là một yếu tố khách quan. Các cửa khẩu, cảng biển quốc tế, khu kinh tế cửa khẩu được nâng cấp và ngày càng sầm uất, nhiều cửa khẩu mới được mở để đáp ứng nhu cầu quan hệ thương mại biên giới. Lợi dụng sự thông thoáng trong hoạt động xuất nhập cảnh, buôn bán thương mại, có thể nảy sinh nhiều hơn tội phạm chuyên nghiệp, có tổ chức, xuyên quốc gia, có yếu tố nước ngoài và sự liên kết giữa các loại tội phạm xu hướng ngày càng tăng; phương thức thủ đoạn ngày càng tinh vi; tính chất manh động, nguy hiểm và nghiêm trọng. Tình hình này, đòi hỏi các lực lượng chức năng cần tập trung tiến hành đồng bộ các giải pháp, trên cơ sở phát huy tổng lực sức mạnh của các lực lượng./.