Tổng giám đốc Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn (TKCN) hàng hải Việt Nam Nguyễn Anh Vũ đang báo cáo Bộ GTVT những nguyên nhân cản tiến độ cứu người trong vụ lật tàu làm 9 người thiệt mạng tại Cần Giờ vừa qua.

Trả lời về việc 21h nhận được tin báo mà 3 tiếng sau, tàu cứu nạn mới tiếp cận được hiện trường, nhiều người nghi ngờ về trách nhiệm cũng như năng lực của các đơn vị tìm kiếm cứu nạn, ông Nguyễn Anh Vũ cho biết,  đến 21h ngày 2/8, Trung tâm mới nhận được thông tin có tàu bị nạn ở Cần Giờ từ một người tên Nguyễn Ngọc Tuấn của Công ty Du lịch Vũng Tàu Marine.

111-ong-nguyen-anh-vu.jpg
Tổng giám đốc Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải VN Nguyễn Anh Vũ

Tuy nhiên, thông tin mà ông Tuấn cung cấp không rõ, không nêu được tên tàu, số người trên tàu, không rõ vị trí, chỉ nói là có một phương tiện hỏng máy. Mặc dù vậy, Trung tâm TKCN đã ngay lập tức cho xác nhận thông tin báo nạn. Ngay sau đó, Trung tâm đã lập tức điều tàu chuyên dụng tìm kiếm cứu nạn SAR 272 (khả năng chịu bão và sóng cấp 7-8) ra hiện trường cùng phương tiện của Biên phòng TP HCM, Bảo đảm an toàn Hàng hải, Cảng vụ TP HCM, Cảng vụ Vũng Tàu, Biên phòng Bà Rịa - VũngTàu (BR-VT). 

Cần Giờ là khu vực biển nông, tại vị trí tàu bị nạn, có chỗ chỉ sâu 1m. Trong đêm tối, tầm nhìn hạn chế, phương tiện cứu nạn có mớn nước sâu 2 - 2,5m, nên chỉ có thể chạy chậm theo máy đo sâu nếu không cẩn thận thì mắc cạn ngay.

Tàu SAR khi tới hiện trường trực tiếp chỉ đạo công tác tìm kiếm cứu nạn đã phối hợp rất tốt với tàu của Biên phòng để cứu 17 nạn nhân vào thời điểm 1h sáng ngày 3/8/2013 và cứu tiếp 4 người (trong đó có 2 người Mỹ) sau đó hơn 2 tiếng. 

 Thời tiết tại khu vực này lúc đó rất xấu, tàu nhỏ ra khó an toàn. Cũng chính vì tàu H29BP là phương tiện nhỏ nên thời điểm đó mới bị nạn. Phương tiện lớn, chịu được sóng gió, vào được khu vực biển này an toàn thì lại bị hạn chế bởi mớn nước.

Ông Nguyễn Anh Vũ bày tỏ đáng tiếc nhất chính là tin báo đến quá chậm. Trên thực tế, thông tin báo nạn càng sớm bao nhiêu, càng chi tiết bao nhiêu thì công tác cứu nạn càng hiệu quả bấy nhiêu.

Ông Vũ nhấn mạnh rằng, việc báo nạn, với những người có chuyên môn (ở đây là lái tàu, thợ máy...) không quá khó. Về kỹ thuật, các thiết bị báo nạn được thiết kế sao cho dễ sử dụng nhất, trong tầm với tay của người điều khiển phương tiện để khi gặp nạn có thể thao tác ngay. Trong trường hợp tại Cần Giờ, Trung tâm TKCN hàng hải Việt Nam cũng chưa rõ phương tiện có lắp thiết bị báo nạn không và nếu có thì tại sao lại không phát tín hiệu báo nạn./.