Sạt lở bờ Sông Ba đoạn chảy qua huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai đang ngày càng trở nên nghiêm trọng, từng ngày đe dọa trực tiếp đến tính mạng của hàng trăm hộ dân. Nguy cơ này càng cao khi Gia Lai đang vào giai đoạn cao điểm mùa mưa lũ, còn các phương án, dự án di dời dân vẫn chỉ nằm trên giấy. Hiểm họa thiên tai khó lường

Ông Vũ Văn Dũng ở thôn Quỳnh Phụ Ba, xã Chư Rcăm, huyện Krông Pa cho biết, từ sau bão số 9 năm 2009, đoạn Sông Ba dài hơn 2,5km chảy qua khu vực cầu Lệ Bắc đã chuyển dòng chảy chính vào khu vực suối Dum Ra (cách lòng sông cũ hơn 200 m) và làm sạt lở nghiêm trọng khu vực này. Hơn 20 năm sống yên lành của gia đình ông Dũng đến nay đã không còn, con sông cứ lấn sâu, đến nay đã sạt lở hết vườn tược, vào đến tận phần sân nhà. Nếu tốc độ sạt lở vẫn như mấy năm qua, chỉ trong mùa này, mùa tới, sông Ba sẽ cuốn trôi cả căn nhà. Còn nếu có lũ bất thường, tính mạng của 5 người nhà ông sẽ gặp nguy sớm hơn.

hinh%201.jpg
Già làng Nay Pher buôn H'Lang lo lắng đến tính mạng của dân làng mỗi khi mùa mưa lũ đến

Ông Dũng lo lắng: “Khi nước lên là đêm nằm nghe nó lở ầm ầm. Nó cứ im một tí rồi lại lở tiếp. Chỉ có ban đêm mới nước lên nhiều, còn ban ngày nước chỉ bình bình thế này thôi”.

Còn đối với người dân buôn H’Lang, nằm trong khu vực xung yếu về sạt lở của xã Chư Rcăm thì ngoài nỗi buồn mất đi đất đai, nhà cửa, bà con còn đau lòng bởi sông Ba đã cuốn đi phần mồ của họ hàng, tổ tiên.

Già làng Nay Pher cho biết, năm 2010, sạt lở sông Ba đã cuốn đi mất 21 phần mộ của làng. Bây giờ nhiều điểm đã sạt lở tới sát nhà dân, đẩy 65 hộ trong buôn vào nguy cơ bị cuốn trôi, cần được khẩn trương di dời. Dân làng đã kiến nghị hơn 3 năm nay nhưng chưa được giải quyết. Già làng Pher nói:“Chúng tôi mong nhà nước tạo điều kiện để có đất ở, đất làm, đất sản xuất. Chúng tôi cũng nhiều lần đề nghị cấp thẩm quyền làm sao tạo điều kiện cho người dân ổn định. Mỗi khi mưa to, nước lớn, chúng tôi lại sợ lụt, cuốn trôi đi”.Nguy cơ lũ cuốn trôi

Xa hơn 20km về phía thượng nguồn so với xã Chư Rcăm, 170 hộ dân khác thuộc các buôn Puh, buôn Chik, buôn Pan, buôn Kting của xã Ia Rsai, huyện Krông Pa cũng đang phải đối mặt với nguy cơ bị nước lũ cuốn trôi. Tại 4 buôn này, nước sông Ba cũng đã làm sạt lở đến sát nhà dân. Sau mấy năm loay hoay tìm phương án di dời dân, nay phương án đã được xây dựng xong, nhưng huyện lại gặp khó về vùng quy hoạch dân cư và kinh phí triển khai nên việc di dời vẫn chưa thể thực hiện. Ông Hiao Buk, Phó chủ tịch UBND xã Ia Rsai cho biết:Hiện nay chúng tôi rất khó khăn, vì quy hoạch đã có rồi nhưng chưa giải phóng được mặt bằng. Dân nói là xa thì không đi, chỉ có bố trí về hướng đông, vào sâu trong làng. Nhưng hiện nay một số người dân đang thiếu đất sản xuất, cho nên nếu lấy đất của họ mà bố trí vùng sạt lở thì họ không có đất làm nữa. Mặc dù họ biết lấy đất của nhà nước sẽ được bồi thường, nhưng họ không biết tìm đất ở đâu. Hiện nay đất cát không còn, đó cũng là khó của địa phương”.

Sạt lở đã đến sát nhà dân ở buôn K'ting xã Ia Rsai, huyện Krông Pa

Trao đổi với phóng viên về việc di dời người dân ra khỏi vùng nguy hiểm sạt lở, ông Đinh Xuân Duyên - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Krông Pa cho biết, khó khăn lớn nhất của địa phương hiện nay vẫn là vấn đề kinh phí. Trong tổng số hơn 320 tỷ đồng mà huyện đã đề xuất để triển khai các dự án, phương án di dời dân và gia cố bờ sông, mới có khoảng 17 tỷ đồng được bố trí.

Theo đó, ông Đinh Xuân Duyên kiến nghị:“Đối với ngành cũng đã đề xuất lên tỉnh xem xét, làm sao các vùng chưa cho chủ trương đầu tư dự án thì tỉnh sớm có kiến nghị với Trung ương để đảm bảo phát triển kinh tế xã hội, ổn định đời sống dân cư trên địa bàn. Thứ hai, về phía thượng lưu và hạ lưu của cầu Lệ Bắc, có một số vị trí sông Ba sạt lở với tốc độ lớn thì cũng cần thiết xây dựng bờ kè để giữ dân cư và giữ đất sản xuất của bà con nông dân.”

 Với đặc thù khí hậu cận duyên hải, các huyện phía đông Gia Lai, mà nhất là huyện Krông Pa còn tiếp tục đối mặt với những biến đổi thất thường về dòng chảy do mưa lũ gây ra. Người dân vùng sạt lở ở khu vực này vẫn sống trong nguy hiểm và lo lắng. Bà con đang rất mong muốn chính quyền địa phương giúp đỡ, để có thể di dời tới nơi an toàn./.