Cục Bảo vệ thực vật vừa tiến hành lấy 50 mẫu giá đỗ tại các chợ ở Hà Nội để kiểm tra về Arsen (kim loại nặng) và ô nhiễm vi sinh vật. Kết quả cho thấy các mẫu đều an toàn đối với chỉ tiêu Arsen. Tuy nhiên chỉ tiêu về vi sinh vật thì đáng quan ngại khi có tới 40% mẫu nhiễm E.Coli, Salmonella, Listeria cao hơn giới hạn cho phép đối với vi sinh vật trong rau ăn sống. Tỷ lệ nhiễm vi sinh vật cao trong giá đỗ, rau mầm có thể từ khâu xử lý hạt giống, hạt ở ngoài ruộng hoặc bỏ đất phơi, không rửa sạch, nguồn nước bẩn hoặc bản thân người sản xuất, người bán cũng không đảm bảo vệ sinh… Hiện Cục Bảo vệ thực vật mới chỉ tiến hành lấy mẫu tại các chợ bởi người tiêu dùng mua ở chợ chứ không phải mua tại các cơ sở sản xuất.

Qua kiểm tra tại 2 huyện Đan Phượng và Từ Liêm, Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội cho biết tình trạng sử dụng hóa chất kích thích trong sản xuất giá đỗ và rau mầm vẫn chưa thể kiểm soát tận gốc, do chủ yếu được sản xuất theo qui mô gia đình.

Bà Nguyễn Thị Hoa, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội cho biết: “Chất kích thích sử dụng cho giá đỗ rất khó kiểm soát, do người dân lén lút cho vào, và thực hiện vào ban đêm, do vậy, quản lý vấn đề này hoàn toàn mang tính tự giác. Chúng tôi đã tuyên truyền cho người tiêu dùng, cách sử dụng và nhận biết giá đỗ an toàn. Theo đó, cần phải chọn giá đỗ không quá mập, giá đỗ kích thích thì rất mập, đặc biệt biểu hiện dễ dàng nhận biết nhất đó là rễ, đối với giá đỗ không dùng kích thích thì có rễ dài từ 1 đến 2 cm, còn giá đỗ sử dụng kích thích thì không có rễ. Riêng với rau mầm, hiện Chi cục vẫn đang tiếp tục cho điều tra”./.