Hôm nay (2/8), Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức Tọa đàm trực tuyến giữa người dân với các chuyên gia của Chương trình tiêm chủng mở rộng và Tổ chức Y tế thế giới, nhằm làm rõ những vấn đề liên quan đến chất lượng vaccine, quy trình tiêm chủng sau vụ 3 trẻ sơ sinh tử vong khi tiêm vaccine viêm gan B tại Bệnh viện đa khoa huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị.

Tại buổi tọa đàm, nhiều người dân phản ánh về tình trạng một số bệnh viện ở Hà Nội và Quảng Trị tự ý ngừng tiêm vaccine viêm gan B cho trẻ sơ sinh, khiến những sản phụ mắc bệnh viêm gan B không thể tiêm vaccine kịp thời cho con. Còn tại TP HCM một số bệnh viện yêu cầu phụ huynh phải ký cam kết trước khi tiêm vaccine viêm gan B cho trẻ với nội dung nếu xảy ra sự cố gia đình hoàn toàn chịu trách nhiệm, khiến nhiều người hoang mang.

tiem.jpg
Sau vụ 3 trẻ sơ sinh chết chưa rõ nguyên nhân khi tiêm vaccine viêm gan B tại Quảng Trị, rất nhiều người dân bày tỏ lo lắng và thắc mắc (Ảnh minh họa)

Trước thông tin này, Giáo sư Nguyễn Trần Hiển, Trưởng Ban quản lý Dự án Tiêm chủng mở rộng, Viện trưởng viện Vễ sinh dịch tễ Trung ương khẳng định:“Việc thực hiện như vậy là không đúng quy định của Bộ Y tế. Trong Thông tư 23 nói rõ công tác tiêm chủng an toàn và chất lượng phụ thuộc vào quy trình tiêm chủng mà ở đây là vai trò của cán bộ y tế ở điểm tiêm chủng đó, từ tổ chức buổi tiêm, bảo quản, vận chuyển vaccine, thao tác sau khi tiêm, lưu trữ hồ sơ… Đó là trách nhiệm của điểm tiêm chủng và cán bộ y tế ở đó. Tuy nhiên, trong phiếu tiêm chủng cũng nói rõ bà mẹ cần tăng cường hợp tác với cán bộ y tế như khi cho trẻ đi tiêm, mang phiếu tiêm chủng, đọc kỹ áp phích về quy trình tiêm chủng và đối chiếu thực hành tiêm chủng có phù hợp với quy định không, nếu không phù hợp thì có quyền không cho con tiêm và nhắc cán bộ y tế thực hiện đúng quy trình”.

Sau vụ 3 trẻ sơ sinh chết chưa rõ nguyên nhân khi tiêm vaccine viêm gan B tại Quảng Trị, rất nhiều người dân bày tỏ lo lắng và thắc mắc vì sao Bộ Y tế vẫn duy trì việc tiêm vaccine viêm gan B trong 24 giờ cho trẻ sau sinh?

Trả lời câu hỏi này, Giáo sư Trịnh Quân Huấn, chuyên gia cao cấp của Bộ Y tế cho biết: Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo thực hiện việc này và tại nước Mỹ, các bệnh viện còn tiêm vaccine viêm gan B trong 12 giờ cho trẻ sau sinh.

Giáo sư Trịnh Quân Huấn nói: “Ở Việt Nam tỷ lệ viêm gan B ở các đối tượng khác nhau là 16-20%, tức khoảng 80% các bà mẹ không mắc viêm gan B. Nhưng làm sao có thể xét nghiêm hết 1,2 triệu bà mẹ trước tiêm, nói cách khác những người mắc cần tiêm càng sớm càng tốt, nhưng làm sao để phân biệt được số 80% không nhiễm và 20% nhiễm nếu thế phải xét nghiệm 100% thì rất tốn kém, không cần thiết, vì thế nên tiêm vaccine viêm gan B trong vòng 24h sau sinh”.

Giáo sư Trịnh Quân Huấn cũng cho biết, với những sản phụ có kết quả xét nghiệm máu không nhiễm viêm gan B thì con của họ có thể tiêm vaccine viêm gan B theo lịch tiêm chủng của địa phương, nhưng phải trong vòng 1 tháng.

Cũng tại buổi tọa đàm các chuyên gia của Chương trình tiêm chủng mở rộng khẳng định, vaccine vô bào ít xảy ra phản ứng phụ tại chỗ hơn chứ không phải ít phản ứng nặng trầm trọng hơn. Về mặt khoa học thì vaccine vô bào là vaccine được sản xuất sau với công nghệ tiên tiến hơn và nước ta đang trong lộ trình thay thế vaccine cũ bằng vaccine thế hệ mới.

Liên quan đến việc sắp tới sử dụng lại vaccine Quinvaxem, các chuyên gia cho rằng, việc tạm dừng lô vaccine để điều tra nguyên nhân tử vong sau tiêm chủng là việc thường thấy ở nhiều nước trên thế giới. Sau khi điều tra xong, nếu thấy vaccine không phải là nguyên nhân chính liên quan tới tai biến thì được sử dụng lại theo Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm. Trước khi sử dụng lại vaccine Quinvaxem và chờ kết quả điều tra vụ 3 trẻ sơ sinh tử vong khi tiêm vaccine viêm gan B, ngành y tế tiến hành thanh tra toàn diện công tác tiêm chủng trong cả nước để chấn chỉnh những hành vi vi phạm quy trình tiêm chủng xảy ra thời gian qua./.