Trước tình hình nước lũ đã giảm nhẹ, tỉnh Đồng Tháp vẫn duy trì gần 3.700 người bao gồm các lực lượng bộ đội của Quân khu 9, bộ đội tỉnh, huyện, dân quân địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác gia cố đê bao bảo vệ lúa thu đông.

Tại thị xã Hồng Ngự, tuyến đê bao xã An Bình B vẫn còn nằm trong tầm kiểm soát, chính quyền và nhân dân thị xã đang dùng các phương tiện cơ giới gia cố chân đê và nâng cao trình đê ngăn lũ.

Trong khi đó, nguy kịch nhất vẫn là các tuyên đê ở huyện Tân Hồng. Tình hình lún sụt và sạt lở chân đê đã diễn ra tại nhiều đoạn trên tuyến đê Tân Hộ Cơ. Đây là tuyến đê chốt chặn trọng yếu bảo vệ cho gần 1.600 ha lúa của 3 cánh đồng Tân Hộ Cơ, bờ đông kênh Sa Rài và Đuôi Tôm.

Tình hình tại tuyến đê bao bờ tây sông Cái Cái bảo vệ cho 800 ha lúa tại cách đồng Thông Bình cũng nguy kịch không kém. Hiện tại, các lực lượng tại đây đã tiến hành xây tường chắn và lấp bao cát để cầm cự với mực nước ngày càng dâng cao.

Còn ở huyện Hồng Ngự, tình hình nước lũ vẫn diễn biến hết sức phức tạp, nhiều đoạn đê đã xảy ra lún sụp, các lực lượng cùng cơ giới đang ra sức bảo vệ các đoạn đê xung yếu.

Ông Nguyễn Minh Hòa, Đại đội trưởng, đại đội địa phương huyện Hồng Ngự cho biết, các lực lượng vẫn đang tập trung gia cố đê bao vì nguy cơ tràn, vỡ đê rất cao, nước lũ tràn qua sẽ gây thiệt hại rất lớn.

Lũ tại nhiều khu vực trong tỉnh vượt báo động 3 từ 0,21 - 0,36 m như khu vực Trường Xuân, huyện Tháp Mười. Tuy nhiên, mực nước trên vẫn còn thấp hơn đỉnh lũ năm 2000 từ 0,17 - 1,14 cm, trừ vùng đầu nguồn Hồng Ngự đã cao hơn đỉnh lũ năm 2000 là 0,01 m.

Nhận định trong vài ngày tới, khu vực Tân Hồng, Hồng Ngự và Đồng Tháp Mười sẽ lên nhanh từ 5 - 7 cm/ngày. Riêng khu vực phía Nam sẽ chững lại và giảm xuống trong vài ngày tiếp theo.

Trước những diễn biến mới này, UBND tỉnh đã đề nghị tinh thần và công tác triển khai chống lũ vẫn phải được thực hiện ở mức cao nhất, không chủ quan, lơ là dẫn đến những sự cố đáng tiếc. Ngay trong ngày 1/10, ở huyện Tân Hồng sẽ có thêm khoảng 400 lực lượng chiến sĩ và thanh niên tình nguyện được hỗ trợ để tiếp tục cùng người dân tham gia hộ đê.

Ông Nguyễn Văn Dương, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho rằng: Bây giờ nước đứng, nhưng không chủ quan. Các lực lượng tăng cường kiểm tra gia cố khi chỉ còn 1,2 cm nữa là sẽ tràn đê. Do vậy các địa phương cần tập trung huy động nhân lực, vật lực để gia cố, kết hợp sự chi viện của tỉnh.

Hiện nay, tỉnh Đồng Tháp đã tiếp nhận được thông tin Chính phủ hỗ trợ 25 tỷ đồng khắc phục mưa lũ. Bên cạnh đó, UBND tỉnh Đồng Tháp đã chỉ đạo các sở ngành có liên quan thống kê, tham mưu cho UBND tỉnh triển khai sớm các chính sách hỗ trợ cho người dân bị ngập lũ, nhất là các hộ nông dân có đất sản xuất vụ thu đông trong các ô đê bao bị vỡ.

Thống kê cho thấy, Đồng Tháp đã có 2 ô đê bao sản xuất lúa thu đông bị vỡ, khoảng 700 ha lúa thu đông bị mất trắng đã gây thiệt hại cho bà con nông dân khoảng 11 tỷ đồng. Bên cạnh đó, nhiều diện tích hoa màu, cây ăn trái và diện tích thủy sản bị thiệt hại nghiêm trọng. Đời sống của bà con nông dân đang gặp nhiều khó khăn./.