Sau Tết Nguyên đán, 17 hộ đồng bào dân tộc Cơ Tu ở tổ 2, thôn Bút Tưa, xã Sông Kôn, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam lần lượt đập phá nhà cửa, bỏ ruộng vườn kéo nhau đến ở nhờ nhà người thân vì sợ “ma ám”. Chính quyền địa phương đã đến gặp gỡ tuyên truyền, vận động quay về làng cũ nhưng bà con không nghe, vì người Cơ Tu có tập tục đã bỏ làng ra đi là không bao giờ quay trở lại.
Nhiều ngôi nhà được xây dựng từ các chương trình hỗ trợ của nhà nước giá trị cả trăm triệu đồng cũng bị đập bỏ. Cả tổ có 20 hộ thì có đến 17 hộ, với gần 70 nhân khẩu bỏ làng đi nơi khác sinh sống.
Cả làng bỏ đi vì mê tín |
Ông A Lăng Tăng, một trong 3 hộ dân còn ở lại trong làng cho biết: “Bà con ra đi vì cho rằng làng có “ma ám”, còn sống ở đây sẽ bị “con ma” bắt. Già đã cố gắng giải thích, vận động bà con ở lại nhưng không ai nghe. Giờ cả làng chỉ còn 3 gia đình ở lại đây. Trong số những hộ ra đi có 2 con trai và các cháu nội của già nữa, nên già thấy rất buồn. Già không tin chuyện “ma ám”, kiên quyết ở lại để giữ nhà cửa cho con cháu mình, để các cháu được học hành ổn định”.
Sự việc xảy ra sau cái chết của anh A Lăng Tròn, 42 tuổi và sau đó là A Lăng Nghĩa, 33 tuổi. Cả 2 người đàn ông này đều thắt cổ tự tử vào những ngày trước và sau Tết Giáp Ngọ. Theo phong tục của đồng bào Cơ Tu tỉnh Quảng Nam, chết do tự tử, đuối nước, tai nạn… là “cái chết xấu”. Người bị chết xấu sẽ về “bắt” những người sống.
Hai người chết vì tự tử cách nhau chưa đầy một tháng khiến người dân thôn Bút Tưa hoang mang lo sợ. Dân làng truyền tai nhau, một đồn lên mười, mười đồn một trăm. Vậy là bà con kéo nhau ra đi, bỏ lại nhà cửa, ruộng vườn đã gắn bó hàng chục năm nay.
Nhiều căn nhà bị đập phá |
Ông A Lăng Kiên, có con trai là A Lăng Tròn vừa mất, là một trong những người đầu tiên bỏ nhà cửa đến ở nhờ nhà người thân, lo lắng mơ hồ: “Trong vòng một tháng mà 2 người chết liên tục nên bà con lo sợ. Bỏ đi sẽ rất tạm bợ và ảnh hưởng đến con cái, nhưng bà con sẽ không về lại làng cũ”.
Sau khi người dân bỏ làng đi nơi khác, lãnh đạo xã Sông Kôn đã đến từng hộ vận động bà con ở lại, nhưng người dân không nghe. Ông Huỳnh Ngọc Thanh, Bí thư Đảng ủy xã Sông Kôn, huyện Đông Giang giải thích rằng, bà con đều biết 2 người chết này có tiền sử về bệnh tâm thần, đã từng điều trị ở bệnh viện nhưng vẫn nghĩ rằng đó là “cái chết xấu” nên họ rủ nhau bỏ làng đi nơi khác.
Để giúp bà con ổn định cuộc sống, xã Sông Kôn đã hỗ trợ mỗi người 7kg gạo, các đơn vị, doanh nghiệp khác trên địa bàn cũng giúp bà con mì ăn liền, nước uống… Ông Lê Văn Luyến, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang cho biết: Lãnh đạo huyện tiếp xúc với dân, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của bà con để tìm hướng giải quyết. UBND huyện cũng như chính quyền địa phương cấp xã đang vận động để nhân dân an tâm, ổn định lại, xóa đi nỗi sợ hãi.
Chuyện 17 hộ dân ở tổ 2, thôn Bút Tưa bỏ làng ra đi là sự việc đáng tiếc. Chính quyền địa phương cần tiếp tục vận động, giải thích để bà con ổn định, yên tâm ổn định cuộc sống và sản xuất./.