Trong dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu thụ các loại thực phẩm như thịt, thủy sản, gia cầm, rượu bia, nước giải khát, các loại rau củ quả, các loại hạt có dầu và bánh mứt kẹo tăng đột biến. Đây cũng là thời điểm mà hàng hóa, thực phẩm không rõ nguồn gốc, không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm được tung ra thị trường.
Vậy công tác đảm bảo an toàn thực phẩm phục Tết nguyên đán được các cơ quan chức năng triển khai như thế nào? Phóng viên VOV phỏng vấn Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Nguyễn Thanh Phong về vấn đề này.
PV: Thưa ông, theo kế hoạch của Bộ Y tế, dịp Tết năm nay phấn đấu giảm 10% số vụ ngộ độc thực phẩm và tăng 10% số cơ sở được thanh tra, kiểm tra so với cùng kỳ năm ngoái. Vậy Cục An toàn thực phẩm đã và đang triển khai những biện pháp gì để thực hiện được mục tiêu này?
Ông Nguyễn Thanh Phong: Chúng tôi tập trung vào 2 nhiệm vụ quan trọng, một là giáo dục tuyên truyền đối với người sản xuất kinh doanh phải làm những gì, xác định nguồn nguyên liệu, sử dụng phụ gia, bảo quản trong quá trình lưu thông, công bố tiêu chuẩn như thế nào, ghi nhãn sản phẩm như thế nào. Chúng ta đã quy định rất rõ nên cần tuyên truyền về trách nhiệm của họ, nếu như họ không đảm bảo thì sẽ bị xử lý như thế nào để họ biết và thực hiện.
Năm 2015 có đổi mới trong công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, các đoàn trung ương xuống chủ yếu là kiểm tra, đôn đốc các tỉnh thành thực hiện chỉ đạo của Trung ương. Tất nhiên trong quá trình thanh tra, kiểm tra các đoàn cũng có thể đến giám sát, đánh giá tại một số điểm nhưng nhiệm vụ chính vẫn là của các địa phương. Chỉ đạo các mẫu lấy để xét nghiệm thì yêu cầu các phòng kiểm nghiệm được chỉ định gửi mẫu đến phải ưu tiên về thời gian, trả kết quả sớm để chúng ta công bố nếu sản phẩm không đảm bảo chất lượng cho người tiêu dùng và để xử lý vi phạm. Các vi phạm phải được công bố kịp thời trên các phương tiện thông tin đại chúng.
PV: Vậy trong những ngày nghỉ Tết nguyên đán và dịp lễ hội thì công tác đảm bảo an toàn thực phẩm sẽ được thực hiện như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Thanh Phong: Ngay trong các ngày nghỉ tết, các đơn vị đều bố trí trực để tiếp nhận các thông tin liên quan đến vi phạm về an toàn thực phẩm, đặc biệt là tiếp nhận các thông tin liên quan đến ngộ độc thực phẩm (nếu có). Từ đó, các tổ xử lý thông tin xử lý kịp thời. Nếu không may xảy ra ngộ độc thực phẩm thì việc đầu tiên là phải tổ chức cấp cứu kịp thời đối với những nạn nhân, hạn chế đến mức thấp nhất các hậu quả ảnh hưởng về sức khỏe của những đối tượng bị ngộ độc do sử dụng thực phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm, xử lý nghiêm các vi phạm, đảm bảo an toàn thưc phẩm trước, trong và sau Tết Nguyên đán cũng như đảm bảo an toàn thực phẩm đối với các lễ hội.
Thực tế cho thấy có những lễ hội kéo dài nhiều tháng, với hàng chục vạn khách du lịch đến tham dự. Do tính chất thời vụ nên các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm đáp ứng nhu cầu của khách du lịch, tham quan lễ hội còn mang tính tạm bợ, thời vụ. Chính vì vậy kế hoạch đảm bảo an toàn thực phẩm đối với lễ hội cũng là một trong những nội dung rất quan trọng để chúng ta bảo vệ được sức khỏe của người tiêu dùng.
PV: Ông có khuyến cáo gì đối với người dân trong việc đảm bảo an toàn thực phẩm dịp Tết nguyên đán?
Ông Nguyễn Thanh Phong: Trong dịp Tết đặc biệt là năm nay chúng ta được nghỉ tết rất dài, người dân cần sử dụng thực phẩm ở mức vừa phải nhất là với các sản phẩm giàu đạm, không nên sử dụng thái quá dễ ảnh hưởng đến sức khỏe.
Thống kê ở các bệnh viện cho thấy, tỷ lệ tai nạn giao thông do rượu bia trong dịp tết tăng rất cao. Chính vì vậy chúng tôi khuyến cáo người dân trong đó có người tiêu dùng thực phẩm hạn chế đến mức thấp nhât việc sử dụng bia, rượu khi tham gia giao thông trong lúc vui xuân, trong lúc đón tết. Bên cạnh đó, thực hiện ăn chín, uống chín…
Nhân dịp năm mới thay mặt cho những người làm công tác an toàn thực phẩm, xin gửi lời chúc sức khỏe đến thính giả của Đài TNVN năm mới sức khỏe, hạnh phúc, thành công và đảm bảo tốt công tác an toàn thực phẩm.
PV: Xin cảm ơn ông!/.