“Chôn” chân vì đường quá tải
Những ngày cận Tết, mật độ giao thông tăng gấp nhiều lần ngày thường, khiến cho nhiều tuyến đường trở nên kẹt cứng. Ô tô, xe máy, xe đạp và người đi bộ chỉ còn cách “chen chân” nhích từng đoạn ngắn.
Trên nhiều tuyến phố, vào các giờ cao điểm, người dân tham gia giao thông bị “giam” mình trong làn đường đông đúc, ken cứng xe cộ. Các phương tiện di chuyển một cách khó khăn trong mùi khói xăng nồng nặc.
Ghi nhận tại các tuyến đường Láng Hạ, Chùa Bộc, Trần Nhật Duật, Kim Mã, Điện Biên phủ, Lê Duẩn… ô tô, xe máy chen chúc nhau, cố nhích trên đường và thậm chí trèo cả lên vỉa hè không phải là hiếm. Tại đây, dòng xe cũng dàn thành hàng 3, hàng 4 nằm “chình ình” giữa tuyến còi inh ỏi.
Có mặt trên tuyến đường Tôn Đức Thắng, rất nhiều xe bốn chỗ, xe buýt dàn hàng chiếm hết mặt đường lưu thông, xe máy phải luồn lách nhích lên từng chút. Tại đường Đê La Thành, hàng trăm người đua nhau đổ ra đường trong khoảng thời gian ngắn tạo nên “dòng thác” người chặn đứng dòng giao thông khu vực này.
Lực lượng thanh tra giao thông, cảnh sát giao thông phải “căng mình” phân luồng cho các dòng xe, song tình trạng kẹt cứng vẫn không được cải thiện. Người điều khiển phương tiện giao thông bị “chôn chân” trong giá rét.
Thực tế, nhiều chuyên gia cũng thừa nhận, tình trạng ùn tắc còn diễn biến phức tạp và tiềm ẩn những nguy cơ trong bối cảnh mật độ phương tiện giao thông đang ngày một tăng nhanh.
Số liệu báo cáo của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội cho thấy, phương tiện cá nhân tham gia giao thông gia tăng quá nhanh và đa dạng về chủng loại. Trung bình 1 năm, phương tiện đăng ký mới tăng 181.418 xe (20.276 ôtô, 161.142 xe máy) và mỗi kilômét đường Hà Nội phải gánh chịu gần 6.500 ôtô và xe máy các loại.
Theo nhiều chuyên gia, hầu hết các tuyến đường giao thông đô thị hiện nay tại Hà Nội, chủ yếu là dòng xe hỗn hợp lưu thông trên đường. Thực tế, đối với các tuyến đường giao thông có lưu lượng và mật độ xe cao thì dòng xe hỗn hợp là một trong những nguyên nhân cơ bản và trực tiếp nhất gây nên tình trạng lộn xộn và ùn tắc tại các nút giao thông.
Theo thống kê, Hà Nội chỉ có 20% đường trục chính, số đường còn lại có chiều dài nhỏ hơn 500m chiếm gần 70% trong đó có khoảng trên 30% đường có bề mặt nhỏ hơn 7m, mặt cắt đường dưới 11m chiếm 80%, diện tích đường chiếm khoảng 7% diện tích đô thị và giao cắt với nhiều trục quốc lộ 1A, 2, 3, 5, 6, 32, 68... nhưng vai trò của hệ thống đường tránh, đường vành đai, các cửa ngõ vẫn rất hạn chế, yếu kém chính là nguyên nhân cơ bản dẫn tới thực trạng ùn tắc giao thông nghiêm trọng tại các cửa ngõ thành phố.
Mạng lưới giao thông đường bộ thủ đô hiện có 2.150 nút giao thông từ ngã ba trở lên, 59 hầm chui, 24 cầu vượt, 18 cầu đi bộ đã đưa vào sử dụng, 181 nút được lắp đặt đèn tín hiệu nhưng vẫn còn gặp nhiều khó khăn do kinh phí hạn chế (chỉ tính riêng tủ điều khiển và các thiết bị bên trong nhập ở nước ngoài về giá trị lên tới 400 triệu đồng/tủ).
Theo số liệu khảo sát và tính toán của Trung tâm quản lý và điều hành giao thông công cộng (Tramoc), hiện nay có 330.000 người/giờ đang sử dụng tuyến đường từ Ngã Tư Sở - Hà Đông, nếu tính tất cả số người này đi lại bằng xe ôtô con thì cầu Chương Dương cần phải có 10 làn đường, đường Nguyễn Trãi 14 làn đường…
Trong khi đó, cũng theo khảo sát của cơ quan này, nhiều nút giao thông của thành phố đã bị quá tải về lượng phương tiện.
Xén hè, mở lòng đường, “siết” vi phạm
Mặc dù trong năm 2012, Hà Nội đã giải quyết được 46% số lượng các điểm ùn tắc, đến nay toàn thành phố chỉ còn 67 điểm có nguy cơ xảy ra ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, theo đánh giá của các cơ quan chức năng, ùn tắc giao thông ở Hà Nội vẫn là một vấn đề nổi cộm.
Lo ngại vấn nạn tắc đường ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân thủ đô đón Tết, ngay từ giữa tháng 12/2012, liên ngành Sở Giao thông Vận tải và Công an thành phố đã “bắt tay” lên phương án giải quyết tắc đường dịp trước và sau Tết Nguyên đán.
Theo đó, để đảm bảo việc đi lại của người dân được dễ dàng, thuận tiện, liên ngành cho biết, sẽ tổ chức duy tu sửa chữa và lắp mới hệ thống đèn tín hiệu giao thông tại các nút giao thông quan trọng như: Mai Dich, Đội Cấn – Liễu Giai – Văn Cao, Đội Cấn – Lê Hồng Phong, Phạm Văn Đồng – Trần Quốc Hoàn, Lê Đức Thọ - Hồ Tùng Mậu, Nguyễn Phong Sắc – Trần Đăng Ninh, nút cầu Cống Vị, Giang Văn Minh – Giảng Võ – Cát Linh.
Với các tuyến phố có vỉa hè rộng, lòng đường hẹp hay xảy ra ùn tắc giao thông, Sở Giao thông vận tải Hà Nội sẽ tiến hành xén hè mở rộng diện tích lòng đường cải tạo nút giao tại các tuyến: Trần Quang Diệu – Đặng Tiến Đông, Võ Văn Dũng – Trần Quang Diệu, Thái Thịnh – Sơn Tây.
Liên ngành cũng tiếp tục triển khai nghiên cứu, rà soát các điểm, nút giao thông có nguy cơ ùn tắc, xác định nguyên nhân và có giải pháp tổ chức giao thông cụ thể, phù hợp với thực tế; bổ sung vạch sơn, biển báo, gờ giảm tốc, đèn tín hiệu giao thông, chú trọng đặc biệt vào các tuyến đường hướng tâm, tuyến đường vành đai có lưu lượng giao thông lớn và thường xuyên có nguy cơ xảy ra ùn tắc giao thông.
"Cảnh sát cũng sẽ được tăng cường tại các chốt trực để hướng dẫn, phân luồng, điều tiết giao thông tại những điểm nóng hay xảy ra ùn tắc, nhằm hạn chế tối đa việc tắc đường để người dân được đón Tết vui vẻ,” đại diện lãnh đạo Phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội cho biết.
Ngoài ra, lực lượng Cảnh sát giao thông, thanh tra Giao thông Vận tải cũng phối hợp với lực lượng xung kích, An ninh trật tự, Cảnh sát trật tự các phường cùng tham gia phân luồng tại các nút trọng điểm trên địa bàn mình.
Ông Hoàng Văn Mạnh, Phó Chánh thanh tra Sở Giao thông Vận tải cho biết: "Lực lượng Thanh tra Giao thông Vận tải Hà Nội sẽ phối hợp tăng cường công tác bảo đảm trật tự An toàn giao thông, sẽ xử lý mạnh các vi phạm trong hoạt động vận tải khách liên tuyến, xử lý nghiêm các vi phạm tại các nhà ga, bến xe, không để xảy ra tình trạng xe dù, bến cóc, chèn ép, bán khách, cưỡng đoạt tài sản của hành khách."/.