Là Tiến sĩ chuyên ngành Lịch sử Việt Nam, hiện đang là Phó chủ nhiệm, giảng viên bộ môn Văn hóa học và Lịch sử Văn hóa Việt Nam, khoa Lịch sử, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, TS Nguyễn Hoài Phương đã có nhiều công trình nghiên cứu liên quan đến chủ đề lịch sử và văn hóa.
Phóng viên VOV.VN đã trao đổi với TS Nguyễn Thị Hoài Phương về phong tục cúng Táo quân ở nước ta.
Cúng ông Công, ông Táo vốn ở lòng thành
PV: Tục cúng Táo quân đã có từ rất lâu, bà đánh giá về phong tục này như thế nào?
Tiến sĩ Nguyễn Thị Hoài Phương: Cúng ông Công ông Táo là phong tục trong các nghi lễ của Tết Nguyên Đán của người Việt (từ khi cúng ông Công ông Táo có thể tính là bắt đầu các công việc chuẩn bị cho ngày Tết Nguyên Đán). Đây là một phong tục để chào đón năm mới với mong ước về bình an, ấm no (vì người Việt làm nông nghiệp, tiểu nông nên thường xuyên thiếu ăn, mà ông Táo phụ trách trông coi việc bếp núc nên gia đình có no đủ, có cái ăn thì bếp mới đỏ lửa).
Bên cạnh đó, sự tích “1 bà 2 ông” (Táo quân) còn hàm ý ca ngợi sự thuỷ chung, sống có tình có nghĩa của vợ chồng, của con người.
PV: Bà có suy nghĩ thế nào về tục cúng Táo quân xưa và nay?
Tiến sĩ Nguyễn Thị Hoài Phương: Cúng Táo quân xưa và nay khác nhau nhiều bởi tinh thần “phú quý sinh lễ nghĩa”. Ngày nay có xu hướng mua sắm nhiều lễ vật, dâng cúng cầu kỳ.
Tất nhiên, tuỳ theo điều kiện hoàn cảnh các gia đình có thể sắm sửa lễ vật, tổ chức cúng lễ khác nhau, nhưng tinh thần quan trọng nhất của tục cúng Táo quân thì vẫn (nên) được duy trì, đó là mong ước về một cuộc sống an bình, ấm no.
PV:Có những người sắm sửa nhiều vàng mã để cúng Táo quân với suy nghĩ "cậy nhờ" các Táo sẽ chỉ tâu với Ngọc Hoàng những điều hay ý đẹp của gia đình. Quan niệm này có đúng không, thưa bà?
Tiến sĩ Nguyễn Thị Hoài Phương: Quan niệm này có lẽ bắt nguồn từ suy nghĩ “trần sao âm vậy”, cho rằng dùng nhiều lễ vật “biếu xén” thần linh thì sẽ tốt hơn. Tuy nhiên, “thờ cúng cốt ở thành tâm”, thậm chí chỉ cần chén nước, ngọn lửa (tượng trưng cho âm dương hài hoà) cũng có thể thành tâm kính lễ.
Vậy nên, quan trọng là thành tâm để cầu mong thần linh, tổ tiên phù hộ bởi suy đến cùng việc thờ cúng là để động viên, khích lệ, trấn an cho tinh thần của con người trong cuộc sống mà thôi.
PV: Còn có nhiều người dân không có kinh tế nhưng vẫn cố gắng sắm đàn lễ to, lễ cúng hoành tráng với mong muốn năm sau sẽ được phù hộ để đổi vận?
Tiến sĩ Nguyễn Thị Hoài Phương: Như trên đã nói, tùy điều kiện gia đình mà sắm sửa, việc thờ cúng cốt ở lòng thành, nên suy nghĩ rằng “sắm đàn lễ to, lễ cúng hoành tráng sẽ được phù hộ để đổi vận” không những không đúng mà còn có phần “vật chất hoá”, nếu không muốn nói là “tầm thường hoá” việc thờ cúng.
Cúng Táo quân không quy định chuẩn, nên hiện nay thậm chí ngoài cá chép thật, cá chép giấy, còn có cá chép làm bằng xôi, làm bằng thạch (cúng xong có thể thụ lộc), sau này cũng có thể còn có những phương tiện khác, hình thức khác. Tất cả chỉ là quan niệm, mong cho vị thần của gia đình mình thuận lợi, mong cho gia đình mình cũng thuận lợi.
PV:Còn nghi thức thả cá thì sao? Hiện nay có nhiều gia đình không có nghi thức đó và không quan trọng nghi thức đó?
Tiến sĩ Nguyễn Thị Hoài Phương: Nếu cúng cá thật và thả cá như một nghi thức phóng sinh thì cũng là một điều hay. Tuy vậy, đây đều là quan niệm của con người thôi. Có nhiều nơi, đầu này thả cá, đầu kia bắt cá; rồi vứt túi ni lông xuống sông hồ… làm mất đi nét đẹp của phong tục.
Thế nào là cúng ông Công, ông Táo đúng?
PV:Theo quan điểm của bà, một lễ cúng Táo quân thế nào là "đúng chuẩn"?
Tiến sĩ Nguyễn Thị Hoài Phương:Trong việc thờ cúng, trừ những nghi lễ có quy định về ngày, giờ, hướng, số vật lễ (ví dụ sách Việt Nam phong tục của Phan Kế Bính chép tục cúng Mụ: đẻ con ra đầy cữ, đầy tháng, đầy tuổi tôi thì làm cỗ cúng Mụ, trong lễ cúng thì dùng 12 đôi hài, 12 miếng trầu… do quan niệm 12 bà Mụ nặn ra đứa trẻ; hoặc lễ cúng sao giải hạn có thể thực hiện tại nhà, đúng ngày đúng giờ đúng hướng quy định, bày đúng số lượng đèn nến để cúng sao… vì thế nếu cúng vào ngày khác, với số lượng lễ vật khác sẽ làm thay đổi, thậm chí làm mất đi ý nghĩa của lễ cúng. Chẳng hạn cúng Mụ mà cúng 10 đôi hài hay 15 đôi hài thì chẳng còn ý nghĩa gì).
Còn lại, các nghi lễ nói chung không có quy định thế nào là lễ cúng đúng chuẩn, lễ cúng Táo quân cũng vậy. Gia đình có điều kiện có thể cúng lễ mặn (xôi thịt, mâm cơm), đơn giản hơn thì lễ chay (hoa quả bánh trái), đơn giản nữa chỉ nén hương, chén nước, ngọn đèn dầu cũng có thể thắp hương cúng lễ.
Đời sống kinh tế xã hội thay đổi, văn hoá cũng biến đổi theo. Có gia đình vẫn dùng vàng mã (nhưng nên hạn chế), có nhiều gia đình đã bỏ tục đốt vàng mã, có gia đình chuyển thành đặt lễ đen (tiền thật) và cuối năm gom số tiền này để làm thiện nguyện…
PV:Nếu miền Bắc và Trung thường cúng ông Công, ông Táo và thả cá trước 12 giờ trưa, thì miền Nam lại quan niệm khi gia đình không còn nấu nướng và dùng bếp thì mới được tiễn các Táo lên trời. Do đó thời gian làm lễ ở đây thường vào buổi tối, từ 20h - 23h. Điều này có ảnh hưởng gì đến các Táo lên chầu, thưa bà?
Tiến sĩ Nguyễn Thị Hoài Phương:Đây cũng là quan niệm thôi, cũng như việc ngoài Bắc không cúng thịt vịt nhưng trong Nam thì có.
Hiểu một cách giản dị nhất, văn hoá do con người sáng tạo ra trong mối quan hệ giữa con người với môi trường tự nhiên và môi trường xã hội, hay nói cách khác là với môi trường sống khác nhau người ta sẽ có văn hoá khác nhau; nên văn hoá không so sánh cao thấp mà chỉ là khác biệt, và (nên) tôn trọng sự khác biệt đó.
PV: Xin cảm ơn bà./.