Nông dân bị “làm luật”! Thực trạng này đang diễn ra ở nhiều địa phương khiến người nông dân vốn vất vả lại càng thêm lao đao bởi sự hoành hành của các nhóm côn đồ. Sự gia tăng các loại tội phạm này về tính chất, hình thức khiến nhiều người không khỏi lo ngại và bức xúc. Tuy nhiên, nhiều người vẫn im lặng bởi họ sợ bị trả thù nếu kêu “không thấu”.

Khoảng 12h ngày 21/3, chị Đỗ Thị Duyên ở Vĩnh Bảo, Hải Phòng cùng một số người tổ chức thu mua bắp cải của các hộ dân thôn Hà Phương, xã Thắng Thủy. Khi đang cân rau thì một số thanh niên xuất hiện. Chúng dùng gậy đập vào bắp cải nói: “Chúng mày lên đây mà không nói chuyện với chúng ông à?”. Bức xúc, chị Duyên đáp lại: “Tôi lên đây mua rau thì sao phải nói chuyện với ai”. Bất ngờ, chúng lôi hai thanh kiếm ra chém chị Duyên và những người đi cùng.

nong-dan-bi-con-do-lam-luat.jpg
Bị ép giá trắng trợn, nhiều nông dân “bấm bụng” nhìn dưa nứt nẻ ngoài ruộng (Ảnh khai thác từ Công an TP Đà Nẵng)

Sau vài lần chém trượt do sự can ngăn của những người dân xung quanh, các đối tượng này đã quay ra dùng gạch ném vào người chị Duyên. Đây không phải lần đầu nhóm đối tượng này dùng vũ lực đe dọa thâu tóm nông sản của người dân. Theo chị Duyên, trong thời gian 3 năm kể từ khi chị mua nông sản tại đây, một đối tượng tên Hùng nhiều lần gọi chị Duyên đến nhà để nói chuyện “làm luật”. Nếu không nghe, Hùng sẽ đứng ra thu mua hết. Trước khi xảy ra sự việc, chị Duyên đã phải “làm luật” cho Hùng 500.000 đồng, Hùng mới để yên cho bốc hàng. Theo công an địa phương, Hùng là đối tượng cộm cán trên địa bàn, đang nằm trong danh sách đen. Năm 2012, Hùng đã cùng một số đối tượng thâu tóm ớt của người dân. Hùng còn là đối tượng bị nghi ngờ đổ dầu hỏa vào ớt đã thu hoạch của dân khi không bán cho Hùng.

Ngày 27/3, Cục Cảnh sát Hình sự, Bộ Công an đã triệt phá băng nhóm côn đồ ở Hưng Yên do Phạm Khắc Tú (còn gọi là Tú khỉ) cầm đầu. Đây là đối tượng có băng nhóm hoạt động theo kiểu “xã hội đen”, chuyên bắt ép các doanh nghiệp vận chuyển xây dựng và khoáng sản trên sông Hồng phải nộp tiền bảo kê để hoạt động trong nhiều năm qua. Phạm Khắc Tú cùng đồng bọn đã bị bắt quả tang khi đang cưỡng đoạt 200 triệu đồng của một doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng trên địa bàn Hưng Yên. Các đối tượng bị bắt cùng nhiều hung khí và tang vật sẵn sàng gây án.

Mặc dù chỉ là một băng nhóm được tập hợp từ những thanh niên côn đồ ở địa phương nhưng cách thức và tính chất hoạt động của nhóm côn đồ này rất có tổ chức. Chúng thường gây sức ép hoặc bắt các doanh nghiệp đồng ý tham gia cổ phần dù không góp vốn. Nếu không đồng ý, chúng sẽ yêu cầu nộp tiền bảo kê lên đến hàng trăm triệu đồng. Nếu doanh nghiệp không đồng ý, xe của họ sẽ không thể vận chuyển hàng hóa, chủ doanh nghiệp sẽ bị hành hung.

Điều đáng chú ý là trước khi bị bắt, Tú khỉ và đồng bọn đã khống chế hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh khoáng sản trên địa bàn Hưng Yên chịu sự bảo kê. Từ vụ việc này, câu hỏi đặt ra là tại sao các đối tượng như Tú khỉ có thể hoành hành bao năm tại địa phương, gây bao khiếp sợ cho dân làng?

Vì sao nông dân im lặng?

Theo chuyên gia tội phạm học Nguyễn Hữu Anh, giảng viên Học viện Cảnh sát Nhân dân, xu hướng tội phạm mang tính côn đồ, bảo kê trước đây thường chỉ xuất hiện ở thành phố với các nhà hàng, vũ trường, các khu buôn bán sầm uất, biên giới, cửa khẩu… Nhưng nay, chúng lại xảy ra ở khu vực nông thôn vốn bình yên và đối tượng bị bóc lột lại là nông dân.

“Nếu chúng ta không ngăn chặn từ khi chúng còn manh nha, những hoạt động này sẽ mạnh hơn và dẫn đến các loại tội phạm nguy hiểm, có tổ chức”-  ông Nguyễn Hữu Anh cảnh báo.

Nhà văn Đặng Thiều Quang nhận định, tình trạng người dân bị côn đồ hoành hành không mới. Đặc biệt gần đây, nhiều nhóm thu mua nông sản chế biến đồ hộp đã bị ăn chặn, bảo kê nhưng tất cả đều chọn cách thỏa hiệp thay vì lên tiếng tố cáo. Bà con nông dân và những người thu mua đơn lẻ là những đối tượng chủ yếu của nhóm côn đồ, bảo kê làng xã này.

Lý giải nguyên nhân gia tăng tình trạng bảo kê ở nông thôn, nhà văn Đặng Thiều Quang cho rằng, trước đây, các quan hệ ở nông thôn bị quy định bởi nhiều yếu tố như tình làng nghĩa xóm, các quan hệ dòng tộc, hương ước ở địa phương, nhưng nay, những mối quan hệ ấy dần bị rạn nứt và phai nhạt. Điều này dẫn đến tình trạng người cùng làng, cùng xóm ăn chặn của nhau và họ không sợ bị điều tiếng hay bị trừng phạt bởi các quy ước chung của xóm làng.

Nhà văn Đặng Thiều Quang đã tìm hiểu, thâm nhập rất nhiều vào thực tế hoạt động của các băng nhóm côn đồ với nhiều dạng thức và đưa vào trong những tác phẩm của mình. Nhân vật “Tú khỉ” trong tiểu thuyết “Săn cá thần” của nhà văn Đặng Thiều Quang đăng trên báo VOV cũng là một trong số đó.

Bàn về vấn đề nông dân bị “làm luật”, anh Chu Hồng Đăng (Từ Liêm, Hà Nội) cho rằng, ngày nay, người trồng nông sản có giá trị cao hơn, mở rộng cả về quy mô lẫn chất lượng. Đến ngày thu hoạch, nếu không bán được đúng thời điểm, nông sản sẽ bị mất giá. Lợi dụng tâm lý này của người dân, các nhóm côn đồ đã hình thành để gây sức ép buộc nông dân hay các thương lái nhỏ lẻ phải đưa tiền bảo kê mới được chở hàng đi. Về vấn đề này, chuyên gia tội phạm học Nguyễn Hữu Anh cho rằng, người dân cần đoàn kết để có tiếng nói mạnh hơn tới các cấp chính quyền. Nếu cấp cơ sở không giải quyết được thì cần báo cáo với cấp cao hơn để được bảo vệ. Ngoài ra, cần có sự tham gia của báo chí và phải xét xử nghiêm minh để tăng tính răn đe./.