Liên quan đến vụ cháy thảm khốc xảy ra tại số nhà 14/136 Nguyễn Đức Cảnh, quận Lê Chân, Hải Phòng vào sáng sớm ngày 29/12 cướp đi sinh mạng của 6 người trong một gia đình, trao đổi với phóng viên VOV.VN, ông Nguyễn Minh Khương- Phó Giám đốc Cảnh sát PCCC TP Hải Phòng bày tỏ, đây là vụ việc vô cùng đáng tiếc bởi lực lượng PCCC nhận được tin báo muộn nên khi đến lửa đã bao trùm toàn bộ căn nhà, cả 6 người đều không thể thoát ra được.

PV: Theo người dân phản ánh, họ phát hiện đám cháy tại số nhà 14/136 Nguyễn Đức Cảnh, quận Lê Chân vào lúc 3h30 sáng 29/12, tuy nhiên phải gần 5h30 cùng ngày lực lượng PCCC mới có mặt tại hiện trường. Ông lý giải như thế nào về điều này?

ong_khuong_hmwp.jpgÔng Nguyễn Minh Khương-Phó Giám đốc Cảnh sát PCCC TP Hải Phòng trả lời phỏng vấn phóng viên VOV.VN

Ông Nguyễn Minh Khương: Tôi khẳng định thông tin báo cháy cho lực lượng Cảnh sát PCCC vào lúc 3h30 sáng 29/12 là sai. Báo chí có thể kiểm tra thông tin này thông qua danh sách các cuộc gọi cho Cảnh sát PCCC. Thông tin chính xác là lực lượng PCCC nhận được thông tin báo cháy vào lúc 5h15’21” từ một công an khu vực của phường Cát Dài, quận Lê Chân (trụ sở Công an phường Cát Dài nằm đối lưng với ngôi nhà xảy ra cháy).

Lúc nhận được tin báo, những người trong gia đình bị nạn đang còn sống nhưng họ chỉ gọi điện cho người thân; sau khi công an phường báo cho PCCC thì nhiều người dân quanh khu vực cháy mới thông báo cho cảnh sát PCCC. Đến 5h28’, xe chữa cháy của lực lượng PCCC có mặt ở hiện trường. Lúc này, lửa đã phun ra phía trước và phía sau của ngôi nhà, có nguy cơ cháy lan sang trụ sở công an phường Cát Dài, nên buộc chúng tôi chia làm 2 mũi tấn công ở trước và sau lưng nhà.

3 phút sau, 2 xe chữa cháy và một xe cứu hộ cứu nạn được điều tới hiện trường. Sau 20 phút, ngọn lửa được khống chế. Ngay sau đó, chúng tôi tiến hành tìm kiếm người bị nạn. Ban đầu phát hiện 4 người bị nạn trên tầng 2 và 2 người bị vùi lấp dưới đống đổ nát. Các nạn nhân tử vong vì ngạt khói trước khi bị lửa tác động.

Tôi khẳng định rằng lực lượng PCCC đã thực hiện tốt công tác chữa cháy, tuy nhiên do từ lúc xuất hiện đám cháy cho đến khi lực lượng PCCC nhận được thông báo thì thời gian quá dài. Nếu chúng tôi nhận được thông tin sớm hơn, hậu quả sẽ không đáng tiếc.

P

V:Sau vụ việc này, ông thấy đáng tiếc nhất điều gì?

Ông Nguyễn Minh Khương:Cơ quan chức năng đã triển khai rất nhiều biện pháp PCCC ở các khu dân cư, tuy nhiên căn nhà xảy ra cháy không có lối thoát hiểm, những người trong ngôi nhà cũng không có kỹ năng tự thoát nạn. Trong nhà cũng không trang bị phương tiện chữa cháy cho nên việc xử lý ban đầu không hiệu quả dẫn đến đám cháy bùng phát lớn trước khi lực lượng PCCC có mặt tại hiện trường.

Dưới sự chỉ đạo của UBND TP Hải Phòng, Cảnh sát PCCC thành phố đã phối hợp với các cơ quan ban ngành triển khai rất nhiều biện pháp nghiệm vụ. Có thể nói, đây là vụ hỏa hoạn lớn nhất, gây thiệt hại về người cũng nhiều nhất trong 3 năm trở lại đây tại TP Hải Phòng.

Một điều đáng tiếc nữa là trước đó, vào ngày 28/12, lực lượng PCCC TP Hải Phòng vừa có cuộc diễn tập chữa cháy tại Nhà hát lớn TP Hải Phòng thì ngay ngày hôm sau (29/12) thì xảy ra vụ hỏa hoạn nghiêm trọng tại phường Cát Dài, quận Lê Chân.

Ngôi nhà xảy ra cháy

PV: Rút kinh nghiệm từ vụ cháy tại nhà may Kiều, Cảnh sát PCCC TP Hải Phòng sẽ đặt ra những giải pháp gì để những vụ việc tương tự không xảy ra trong thời gian tới, thưa ông?

Ông Nguyễn Minh Khương: Công tác PCCC không chỉ là công việc của riêng lực lượng PCCC mà là công việc của các cấp, ngành, chính quyền địa phương và người dân phải hiểu công tác này. Nếu mọi thành phần làm tốt công tác PCCC thì sẽ không xảy ra sự cố đáng tiếc như vụ hỏa hoạn vừa qua.

Để làm tốt công tác này, đòi hỏi toàn dân phải tham gia công tác PCCC, trong đó Cảnh sát PCCC là lực lượng nòng cốt, hướng dẫn người dân các biện pháp nghiệm vụ, các kỹ thuật về chữa cháy, cứu nạn cứu hộ. Vì nếu mỗi thành viên trong gia đình có kỹ năng cơ bản về PCCC và được trang bị bình chữa cháy… là có thể dập tắt ngay từ lúc phát hiện.

Có thể nói vụ cháy tại nhà may Kiều là thiệt hại vô cùng to lớn, không chỉ gây thiệt hại đối với những người thân, còn là thiệt hại to lớn cho thành phố cũng như lực lượng PCCC. Chúng tôi vô cùng đau buồn và chia sẻ với gia đình các nạn nhân. Không gì có thể bù đắp những mất mát đó.

Từ đó chúng tôi thấy được trách nhiệm cao hơn trong công tác tuyên truyền, hướng dẫn, cũng như triển khai các biện pháp nghiệm vụ quyết liệt hơn ở các địa bàn, khu dân cư, chung cư cao tầng, chung cư xuống cấp…  làm sao nâng cao ý thức của người dân để họ chủ động thiết kế công trình có lối thoát hiểm cũng như trang bị kiến thức tự cứu, tự thoát nạn, xử lý tình huống, trang bị phương tiện chữa cháy trong gia đình. Thực hiện đồng bộ các yêu cầu đó thì các sự cố sẽ được kịp thời xử lý, hạn chế được thiệt hại.

PV: Xin cảm ơn ông!/.

3 vụ cháy trong ngày 29/12 tại TP Hải Phòng

Trong ngày 29/12, ngay sau khi vụ hỏa hoạn tại nhà may Kiều, số 14/136 Nguyễn Đức Cảnh, quận Lê Chân được khống chế, tại TP Hải Phòng cũng xảy ra 2 vụ cháy.  

Ông Khương cho biết, đây là 2 vụ cháy nhỏ ở nhà dân, không có thiệt hại về người, tài sản bị thiêu rụi cũng không quá lớn.

“Trong 3 vụ cháy cùng ngày tại TP Hải Phòng, lực lượng PCCC đã có mặt kịp thời. Tuy nhiên, vụ cháy tại số nhà 14/136 Nguyễn Đức Cảnh do nhận được tin báo muộn nên khi chúng tôi đến lửa đã bao trùm toàn bộ căn nhà, đáng tiếc là cả 6 người đều không thể thoát được”, ông Khương cho biết./.