Những năm gần đây, tình trạng cho trẻ 5 tuổi đi luyện chữ, học trước chương trình vào lớp 1 ngày càng phổ biến. Mặc dù Bộ GD - ĐT đã có quy định cấm dạy chữ, học thêm cho trẻ trước khi vào lớp 1, nhưng nhiều phụ huynh lo ngại không cho con đi học trước, con mình sẽ không theo kịp các bạn ở lớp, từ đó các cháu sẽ căng thẳng, sợ hãi, chán học.

Nắm bắt nhu cầu bức thiết của nhiều phụ huynh, hiện nay, không ít trường mầm non tư thục đã dạy chương trình lớp 1 cho trẻ mẫu giáo lớn. Chúng tôi tới Trường Mầm non tư thục Khánh Linh (Mai Động, Hà Nội) tìm hiểu thì được biết, trẻ bắt đầu vào mẫu giáo lớn sẽ được học song song hai chương trình: sáng học mầm non, chiều học chương trình lớp 1.

Một giáo viên ở đây cho biết, để đáp ứng mong mỏi của các bậc phụ huynh là các con phải học giỏi khi vào lớp 1, nhà trường đã tuyển các cô giáo có trình độ mầm non và tiểu học dạy cho những bé đang học mẫu giáo lớn nên không phải vất vả thuê giáo viên tiểu học từ các trường khác. Hiện nay, 70 cháu học lớp mẫu giáo lớn đã đọc thông, viết thạo và làm toán gần xong chương trình SGK lớp 1. Học ở đây, các bé không cần tham gia bất cứ lớp luyện chữ nào. Chương trình kéo dài cho tới khi các bé bước chân vào lớp 1, đến hè, bé nào có nhu cầu nghỉ hè cũng được, nhà trường không bắt buộc.

Chị T.H, một phụ huynh có con đang theo học ở đây cho rằng, cho con theo học tại trường, gia đình không phải vất vả đưa đón con tới những lò luyện chữ chật chội.

Không ít phụ huynh có con đang học ở một số trường mẫu giáo điểm của thành phố Hà Nội phản ánh, từ sau Tết, nhà trường tổ chức lớp: Hành trang vào lớp 1 vào buổi sáng thứ 7 hằng tuần. Lý giải cho việc tổ chức lớp học trong trường, hiệu trưởng một trường mầm non cho biết: Mấy năm gần đây, cứ ra Tết, nhà trường lại bị "ngót" đi từ 1-2 lớp mẫu giáo lớn do phụ huynh xin cho con nghỉ để gửi vào các “lò” luyện chữ. Để tránh tình trạng trên, nhà trường tổ chức lớp Hành trang vào lớp 1, như vậy, các bé vẫn được vui chơi đúng độ tuổi, đồng thời, được tiếp cận với các cô lớp 1 để các bé làm quen với tư thế ngồi, cầm bút, mở vở,… chứ không có việc dạy trước chương trình.

Theo nhiều nghiên cứu khoa học cho thấy, trẻ được học trước chương trình  khi  bước vào lớp 1, lúc đầu, kiến thức của các cháu có vẻ trội hơn các bạn khác, nhưng sau đó vài tháng, khả năng tiếp thu bài học giảm hẳn. Các chuyên gia giáo dục khuyến cáo, phụ huynh cho trẻ học trước tuổi là bắt trẻ sớm phải chịu áp lực học tập vượt quá tâm sinh lý lứa tuổi./. 

* Ông Lê Tiến Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ GD - ĐT:Được dạy trước, trẻ sẽ chủ quan

Trong hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học cấp tiểu học và bậc học mầm non do Bộ GD-ĐT ban hành ghi rõ: “Tuyệt đối không dạy trước chương trình lớp 1 cho trẻ mẫu giáo”. Tuy nhiên, văn bản này dường như chỉ có tác dụng đối với các trường công lập. Bởi có “cầu” ắt có “cung”, phụ huynh không khó để tìm một lớp cho con mình theo học trước chương trình. Điều này một phần do phụ huynh không nắm rõ quy định của Bộ GD-ĐT về điều kiện tuyển trẻ vào lớp 1, không biết nội dung chương trình giảng dạy của giáo viên? Không nắm được nên phải chạy theo số đông. Nguyên nhân khác là do một số cơ sở giáo dục, giáo viên dạy trên cơ sở trẻ đã biết chữ, biết số nên không tuân theo đúng quy định phân phối chương trình.

Khi cho trẻ học trước, trẻ nảy sinh tâm lý chủ quan tưởng cái gì cũng biết nhưng thực ra chưa biết được nhiều và sau một thời gian, sức học sẽ đuối hơn những đứa trẻ khác. Dạy đúng tuổi là tuân theo những nghiên cứu khoa học chứ không phải cứ bắt trẻ học càng sớm càng tốt như nhiều ông bố bà mẹ nghĩ. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều nước trên thế giới đang đấu tranh để độ tuổi vào lớp 1 của trẻ là 7 tuổi chứ không phải 6 tuổi.

 * GS Nguyễn Minh Thuyết - Phó Chủ nhiệm ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên - Nhi đồng của Quốc hội :Học sinh đến lớp không động não, tư duy chậm phát triểnTrước khi vào lớp 1, phần lớn trẻ em ở thành phố đều đã biết đọc, biết viết nên khi vào lớp 1 ít phải động não. Điều này sẽ có hại cho các em, vì lớp 1 ít động não nên lớp 2 và các lớp sau đó sẽ khó bắt kịp chương trình. Học sinh đến lớp không động não, tư duy chậm phát triển hơn các bạn. Giáo viên phải dạy cho học sinh những cái học sinh chưa biết, nếu biết rồi mới đi học hoặc chương trình và sách ra những bài tập dễ đến mức không cần hướng dẫn của thầy, cô, học sinh cũng giải được là phi sư phạm./.