- Hiến tặng giác mạc và các bệnh lý về mắt
- FHF và SCB tài trợ phòng chống mù lòa trẻ em Hà Nội
- Việt Nam hưởng ứng Ngày thị giác thế giới
Hưởng ứng Ngày Thị giác Thế giới (13/10), sáng 4/10, Bệnh Viện mắt Hà Nội phối hợp với Quỹ Fred Hollows (FHF) và ngân hàng Standard Chartered (SCB) tổ chức hoạt động với chủ đề “Mắt sáng cho em”.
Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ chiến dịch toàn cầu mang tên “Seeing is believing – Ánh sáng là niềm tin”, được triển khai tại Việt Nam từ năm 2004 đến nay.
Sự chung tay của xã hội
Ngày Thị giác Thế giới được chọn là ngày thứ Năm, tuần thứ 2 của tháng 10 hàng năm, nhằm nhắc nhở về công tác bảo vệ thị giác và chữa trị mù lòa, hướng đến mục tiêu loại bỏ hoàn toàn mù lòa có thể tránh khỏi trên toàn thế giới cho đến năm 2020. Đây là năm thứ 9, Việt Nam tham gia hưởng ứng hoạt động này.
Các hoạt động văn nghệ trong chương trình "Mắt sáng cho em”. |
Trên thế giới hiện có khoảng 314 triệu người mù và thị lực thấp, trong đó Việt Nam có khoảng 2 triệu người mù. Riêng tại Hà Nội, hiện có khoảng 32.000 người mù. Đáng chú ý là tỷ lệ tật khúc xạ chiếm 30-35% trong tổng số học sinh Hà Nội (ước khoảng 1,5 triệu học sinh), đồng nghĩa có khoảng 450.000 học sinh mắc tật khúc xạ. Tình trạng “cận thị học đường” tập trung ở khu vực nội đô, đang trở thành mối quan tâm lo lắng của nhiều bậc phụ huynh, trở thành một vấn đề xã hội đáng báo động của Hà Nội.
Bà Vũ Thị Thanh. |
Trong 2 năm qua, Sở Y tế Hà Nội, Bệnh viện Mắt Trung ương phối hợp với quỹ Fred Hollows và Ngân hàng Standart Chartered triển khai dự án “Phòng chống mù lòa trẻ em thành phố Hà Nội”. Trong đó, khám 200.140 cháu, phát hiện mới 15.933 cháu mắc tật khúc xạ, cấp miễn phí gần 2000 đôi kính đúng số, phẫu thuật miễn phí 210 trường hợp bị các dị tật mắt.
Với chủ đề “Mắt sáng cho em”, từ ngày 10-14/10, Bệnh viện Mắt Hà Nội sẽ tiến hành khám tật khúc xạ miễn phí cho trẻ em dưới 15 tuổi, phẫu thuật miễn phí cho tất cả các trẻ em Hà Nội có các dị tật về mắt được chỉ định mổ.
Một trong số những bệnh nhân đầu tiên được dự án tài trợ cho mổ miễn phí là cháu Nguyễn Khắc Khiêm (4 tuổi). Cháu bị đục thủy tinh thể mắt trái. Ngày Thị giác Thế giới cũng là ngày cháu được phẫu thuật.
Chị Nguyễn Thị Hiền và cháu Nguyễn Khắc Khiêm. |
Chị Nguyễn Thị Hiền (mẹ cháu Nguyễn Khắc Khiêm) tâm sự: “Con đau thì cha mẹ xót. Cháu nó còn nhỏ như vậy đã phải phẫu thuật. Các bác sĩ nói càng sớm thì càng tốt cho cháu nhưng hai vợ chồng, người công nhân, người lương giáo viên, chưa đủ khả năng để chi trả phí phẫu thuật tức thời. Rất may là có dự án này giúp đỡ. Hy vọng, nhiều trẻ nhỏ bị như con tôi, qua dự án này cũng sẽ chữa khỏi được mắt”.
Tại buổi lễ chào mừng còn có triển lãm ảnh về hoạt động dự án phòng chống mù lòa, trình chiếu phim hoạt hình, giáo dục khúc xạ học đường dành cho trẻ em, tặng sách ảnh miễn phí, tặng DVD phim giáo dục khúc xạ học đường.
Chương trình cũng đi thăm và tặng quà cho trẻ em trường Nguyễn Đình Chiểu. Đây là trường duy nhất trên thành phố Hà Nội chuyên biệt dành cho trẻ khiếm thị. Trung bình mỗi năm có khoảng từ 150 - 160 em khiếm thị từ Hà Nội và 11 tỉnh lân cận đến học.
Ông Thái Văn Khoa, hiệu trưởng trường Nguyễn Đình Chiểu khẳng định: “Không chỉ dạy văn hóa, dạy nghề, chúng tôi còn giúp các em hòa nhập bằng cách thuyết phục các bậc phụ huynh cho con em mình học cùng các em khiếm thị. Đến nay đã thành công. Nhưng quan trọng là cuộc sống của các em sau khi ra trường, bởi trên thực tế, người khiếm thị còn gặp nhiều khó khăn”.
Những ước mơ…
Bùi Thế Thành năm nay đã 22 tuổi, học sinh vừa mới tốt nghiệp trường Nguyễn Đình Chiểu. Năm 10 tuổi, Thành được đến trường. Đôi mắt chỉ còn chút ít ánh sáng nhưng nét cười thì không hề mất đi. Thành tâm sự, mặc dù còn có thể chữa mắt nhưng em bị tim bẩm sinh, sức khỏe bây giờ rất yếu, dù có phẫu thuật cho sáng mắt cũng không thể kéo dài được.
Các em học sinh khiếm thị trường Nguyễn Đình Chiểu đang chơi nhạc cụ dân tộc. |
Chơi trong dàn nhạc dân tộc của trường, cũng được đi biểu diễn nhiều nơi, em cho hay: “Từ hồi bé đã ước mơ được làm nghệ thuật. Đó là ước mơ khả dĩ nhất mà những người như em có thể thực hiện được. Đi biểu diễn đó đây với em là niềm hạnh phúc nhất. Cũng như được trở lại trường và góp chút sức gì đó cho các em nhỏ hơn cũng bị khiếm thị như mình”.
Em Lê Ngân Hà. |
Nhưng Thùy Linh, cô bé 10 tuổi lại rạng rỡ khi nói về ước mơ của mình: “Em muốn trở thành một giáo viên”. Đi học muộn hơn các bạn một chút, Linh hiện đang học lớp 3B. Một bên mắt trái của em bị tật, mắt phải chỉ nhập nhòe chút ánh sáng nhưng cô bé luôn mỉm cười. “Làm giáo viên chắc rất là vui. Sau em có thể dạy học cho nhiều bạn khác như em”.
Mỗi trẻ em đều có ước mơ. Với những trẻ khiếm thị, ước mơ có khi lại chỉ đơn giản như được nhìn thấy ánh sáng, nhìn thấy gia đình, bạn bè. Không chỉ đem lại ánh sáng cho các em theo nghĩa đen, mà còn mang đến ánh sáng cho tâm hồn các em. Đó chính là ý nghĩa của chiến dịch toàn cầu mang tên “Ánh sáng là niềm tin”./.