Cơn mưa dông cực lớn bất ngờ đổ ập xuống Hà Nội vào khoảng 17h ngày 13/6, khiến nhiều cây xanh đổ la liệt trên các tuyến phố. Tuy nhiên, sau cơn dông này, người ta cũng tình cờ phát hiện cách trồng cây rất khác lạ ở Hà Nội như trồng cây vẫn để nguyên bầu, lưới bọc và dây…

Trả lời phỏng vấn phóng viên VOV.VN về vấn đề này, GS.TS Lê Đình Khả, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giống và Công nghệ sinh học lâm nghiệp, người từng có nhiều năm nghiên cứu về cây trồng cho biết: Theo ý kiến của tôi, việc trồng cây như thế là chưa đúng kỹ thuật và chưa hiểu biết về cây trồng.

cau_nguyen_trai_2_copy_nqhp.jpg
Cây mới trồng bị đổ còn nguyên bầu bọc lưới nilon (Ảnh: Bá Hiếu)
Theo GS Lê Đình Khả, một lý thuyết rất đơn giản là khi trồng cây chúng ta phải bóc vỏ bầu ra. Nếu không bóc vỏ bầu ra, đất không tiếp xúc với cây và một thời gian sau cây cũng sẽ chết. Cho nên, tôi có thể khẳng định rằng, việc trồng cây như thế là thiếu kiến thức. Chúng ta phải xem xét lại một cách rất nghiêm túc vì cả kỹ thuật và trách nhiệm của người trồng cây như thế là không ổn.

GS TS Lê Đình Khả cũng cho biết thêm, đã có đề tài nghiên cứu trồng cây để nguyên bầu tự hủy nhưng hiện tại được triển khai.

Giải thích lý do tại sao nhiều cây xanh bị bật gốc trong cơn dông chiều 13/6 vừa qua, GS TS Lê Đình Khả cho biết: khả năng cây bị bật gốc là do cây chưa tỉa cành nên tán rộng khi luồng gió đi qua rất dễ đổ và cộng với rễ nông không có điều kiện phát triển nên không thể bám chắc được. Và tỷ lệ cây xà cừ bị bật gốc thấp hơn các cây trồng khác là do dễ nó bám chắc hơn. Ngoài ra, chúng ta cũng phải xem cụ thể địa điểm bật gốc ở đâu thì mới có kết luật chính xác được.

Cây mới trồng bị đổ trên đường Lê Duẩn chiều 13/6 (Ảnh: Công Hân)

Còn TS Vật lý Nguyễn Văn Khải, cho biết: Việc cây đổ không phụ thuộc vào cây ít năm hay lâu năm mà nó phụ thuộc vào kỹ thuật trồng và chăm sóc cây. Chăm sóc cây cối phải giống như chúng ta đánh răng, rửa mặt hàng ngày. Nếu chúng ta không thường xuyên tỉa các tán lá, trồng nông thì khi gặp cơn gió nó đổ là điều hiển nhiên.

TS Khải nhấn mạnh: “Ở đây tôi không nói đến kỹ thuật trồng cây đúng hay là sai hoặc kém. Đó là kiến thức rất cơ bản của cuộc sống mà họ phải hiểu. Cho nên tôi khẳng định rằng, họ trồng cây như vậy là không có kiến thức của cuộc sống./.