trieu_tien_1_hbsj.jpg
Các trường học tại Bắc Triều Tiên tổ chức lễ khai giảng vào ngày 1/4 hàng năm bằng lễ đón học sinh. Vào ngày này, cha mẹ sẽ mặc đồng phục mới và cài bông hoa đỏ lên ngực con cái.
Học sinh ở Bắc Triều Tiên phải trải qua chương trình phổ thông kéo dài 11 năm, bắt đầu từ khi 5 tuổi. Chính phủ sẽ quyết định mẫu đồng phục, may và phân phát cho học sinh trước dịp khai giảng ít ngày.

Ở Hàn Quốc, lễ khai giảng thường được tổ chức vào tuần đầu tiên của tháng 3, với mong muốn mùa xuân sẽ mang đến nhiều khởi đầu tốt đẹp cho các em học sinh. Vào ngày lễ này, các học sinh tham gia một buổi lễ gặp mặt toàn trường, được các thầy cô giáo tặng hoa và nói những lời chúc mừng. Một số nơi còn cho học sinh chuẩn bị những quả bóng bay có gắn điều ước, kết thúc buổi lễ học sinh sẽ thả bóng lên trời với nguyện vọng ước mơ của mình sẽ bay cao.
Một năm học được kéo dài từ tháng 3 năm trước đến đầu tháng 2 năm sau, chia ra làm 2 học kỳ: từ tháng 3 đến tháng 7 và từ tháng 9 đến tháng 2. Một buổi học ở xứ Kim chi thường bắt đầu lúc 8h sáng, kết thúc vào 4h chiều nhưng đa phần học sinh sẽ ở lại đến tối muộn để làm thêm bài tập.
Một năm của học sinh Nhật Bản kéo dài trọn 1 năm (từ tháng 4 năm trước sang hết tháng 3 năm sau), nhưng bù lại các em được nghỉ 3 lần gồm nghỉ hè, nghỉ đông, nghỉ xuân, chia 1 năm ra thành 3 kỳ học. Ngày khai giảng sẽ do từng trường tự quyết định rồi thông báo với học sinh.
Ngày khai giảng ở Nhật được tổ chức rất đơn giản, từng lớp sẽ tập trung trong phòng học, hoặc cả khối tập trung ở phòng học thể chất để nghe giáo viên chủ nhiệm dặn dò vài điều trước khi bước vào năm học mới. Đây là dịp để các học sinh ôn lại lịch sử hình thành trường và giới thiệu giáo viên.
Thời gian biểu của các học sinh Nga khá tương đồng với Việt Nam: bắt đầu từ tháng 9 và kết thúc vào tháng 5 năm sau. 
Lễ khai giảng được tổ chức ngày 1/9, các học sinh sẽ diễu hành trên những trục đường chính rồi tỏa về từng trường. Ai cũng cầm trên tay một bó hoa để tặng các thầy cô của mình.
Hệ thống giáo dục Nga có 10 lớp, học sinh không cần mặc đồng phục nhưng được khuyên giữ ấm vì thời tiết nơi đây khá khắc nghiệt. Thường thì nam sinh Nga mặc comple, trong khi con gái thì mặc váy trong ngày khai giảng.

Ở Mỹ, ngày bắt đầu đi học chính thức là 9/9, với từng trường có thể xê dịch 1 vài ngày cho phù hợp. Vào ngày này, học sinh đến nhận lớp, làm quen với bạn bè mới, giới thiệu về bản thân mình. Lễ khai giảng ở Mỹ khá thoải mái, không đặt nặng tính nghi lễ như các nước khác. 
Nhà trường sẽ thông báo ngày chính thức tổ chức bắt đầu năm học mới, tất cả học sinh và thầy cô tập trung lại cùng nhau rồi vui chơi giải trí và làm một vài buổi lễ tuyên thệ để tăng tính quyết tâm trong lòng học sinh.

Cũng giống như nhiều nước ở Nam bán cầu, Brazil có năm học kéo dài từ cuối tháng 1 đến giữa tháng 12. Tất cả học sinh đều phải mặc đồng phục trong toàn năm học, bắt đầu từ ngày khai giảng. Những môn học được giảng dạy chính ở Brazil gồm toán, địa lý, lịch sử, khoa học, giáo dục thể chất và tiếng Bồ Đào Nha. Mỗi lớp học ở đất nước này thường có 30 học sinh.

Theo truyền thống, học sinh Ukraina sẽ tổ chức lễ khai giảng vào ngày 1/9, nhưng những năm gần đây do tinh hình đất nước bất ổn nên nhiều ngôi trường đành bỏ qua nghi thức này. Với những học sinh may mắn được đi học, các em thường mặc trang phục truyền thống đẹp mắt, háo hức cầm hoa tới trường dự lễ khai giảng.

Học sinh Trung Quốc khai giảng vào ngày đầu tiên của tháng 9. Vào ngày này, các em thường tập trung ở sân trường, được các thầy cô giáo tặng một cuốn từ điển, lấy sách giáo khoa rồi trở về lớp học. 
Các học sinh sau đó trở về lớp, trò chuyện với cô giáo, làm quen lại với các bạn và tự giới thiệu về bản thân mình.