Năm nay, Lễ hội Katê của đồng bào Chăm sẽ diễn ra vào ngày 27/9. Những ngày này, không khí của ngày hội đã lan tỏa đến khắp các làng Chăm tỉnh Bình Thuận.
Chị Đặng Thị Lan Hương ở thôn Tịnh Mỹ, xã Phan Thanh, huyện Bắc Bình phấn khởi: “Kinh tế bây giờ cũng ổn, vụ lúa vừa rồi trúng mùa lại được nhà cũng có tiền. Anh em họp mặt, gia đình đoàn tụ bên nhau nên không khí của ngày Katê rất vui và ấm cúng”.
Lễ hội Katê 2009 tại Bình Thuận (Ảnh:Internet) |
Tại Trung tâm Trưng bày Văn hóa Chăm tỉnh Bình Thuận, công tác chuẩn bị cho ngày Lễ cũng hoàn tất. Đây là nơi không chỉ để cộng đồng người Chăm hội tụ sinh hoạt, là điểm tham quan du lịch hấp dẫn du khách trong ngoài nước mà còn là nơi diễn ra các hoạt động văn hóa mang đậm bản sắc Chăm nhân dịp lễ, Tết…
Ông Lâm Tấn Bình, Giám đốc Trung tâm cho biết: Dịp Lễ hội Katê trong hai ngày 27 và 28/9, ngoài hoạt động tại gian trưng bày, Trung tâm còn tổ chức thi tay nghề ẩm thực cho 3 xã Chăm trong huyện Bắc Bình, với các món đặc sản của người Chăm, như dê ghém, dê nướng, dê lụi… và các loại bánh gang tay, bánh gừng…; Giao lưu tay nghề làm gốm truyền thống giữa làng nghề Bàu Trúc tỉnh Ninh Thuận và gốm Trì Đức của tỉnh Bình Thuận.
Chuẩn bị cho lễ hội Katê năm nay, ngay từ đầu tháng 9, Ban Tổ chức Lễ hội đã phối hợp với Hội Nhiếp ảnh Bình Thuận tổ chức triển lãm ảnh tại Khu di tích Tháp Pô Sah Inư – nơi sẽ diễn ra lễ hội Katê, giới thiệu về Lễ hội Katê, lễ hội Ramưwan, các nghề truyền thống của người Chăm như làm gốm, dệt thổ cẩm,…
Ngoài các trò chơi dân gian, ẩm thực người Chăm và thi tay nghề một số nghề truyền thống, phần Hội còn có đêm giao lưu văn nghệ giữa 3 thôn: Lâm Thuận, Lâm Giang, Ma Lâm 3 của huyện Hàm Thuận Bắc và Trường Dân tộc Nội trú tỉnh.
Còn tại di tích Tháp Pô Sah Inư, phường Phú Hài, Thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, Bà Nguyễn Thị Hải, Trưởng Ban Quản lý di tích cho biết công tác chuẩn bị đã hoàn tất.
Tỉnh Bình Thuận có trên 34.200 người Chăm , sống tập trung ở 4 xã thuộc 2 huyện Bắc Bình, Tuy Phong và xen ghép ở 9 thôn của 4 huyện: Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Tánh Linh và Hàm Tân.
Thời gian qua, Nhà nước đã đầu tư hàng chục tỷ đồng xây dựng nhiều công trình thủy lợi, hệ thống giao thông nông thôn, điện phục vụ sản xuất, sinh hoạt cho đồng bào Chăm.
Bên cạnh đó, tỉnh Bình Thuận cũng đã thực hiện lồng ghép nhiều chương trình dự án; chuyển giao các kỹ thuật, công nghệ mới phục vụ sản xuất; khôi phục và phát làng nghề truyền thống; đào tạo nghề và giới thiệu việc làm cho hàng trăm con em người Chăm, góp phần làm tăng thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo người Chăm từ hơn 23% năm 2005 đến nay còn trên 11%…
Lễ hội Katê là một trong 15 lễ hội dân gian lớn nhất ở nước ta, là dịp để người Chăm tưởng nhớ đến tổ tiên, gia đình đoàn tụ và là dịp để du khách trong và ngoài nước tìm đến, khám phá những nét đặc sắc trong văn hóa lễ hội của người Chăm.
Một mùa Katê nữa lại về trên khắp các làng Chăm!./.