Ngày 17/4, do bất cẩn khi đang làm việc, anh Nguyễn Văn Tâm, 37 tuổi, thợ cơ khí ở Bắc Phương Danh, thị trấn Đập Đá, huyện An Nhơn, đã bị máy cán cắt tôn cắt đứt lìa bàn tay phải. Nạn nhân nhanh chóng được đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định cùng bàn tay đứt lìa được bảo quản trong thùng đá lạnh. Sau 5 giờ tiến hành ca mổ vi phẫu cấp cứu nối bàn tay để kết xương, nối lại mạch máu nuôi dưỡng phần bàn tay đứt lìa, toàn bộ thần kinh, gân cơ, các bác sĩ đã nối thành công bàn tay đứt lìa của nạn nhân.

Đến nay, là ngày thứ 7 sau mổ, anh Tâm đã cử động được các ngón tay và  đang nằm điều trị ở khoa Ngoại Chấn thương - Bỏng của bệnh viện.

Việc nối lại bàn tay, bàn chân, ngón tay và ngón chân đứt lìa đã được thực hiện thành công ở các bệnh viện lớn từ lâu. Tại Bình Định, trước đây, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Bình Định đã cố gắng, nhưng sau mổ 3-5 ngày kết quả đều thất bại.

Theo Thạc sĩ - bác sĩ Nguyễn Kế Lạc, người trực tiếp thực hiện ca mổ của anh Tâm, nhờ áp dụng kỹ thuật vi phẫu, hiện tại các ca đứt lìa bàn, ngón tay và bàn, ngón chân có thể nối thành công nếu phần chi đứt lìa được bảo quản đúng cách và nạn nhân được đưa vào bệnh viện sớm trong vòng 4-6 giờ. Kết quả này mở ra nhiều hy vọng cho các nạn nhân bị tai nạn lao động. Việc khâu nối thành công phần tay chân đứt lìa sẽ đem lại khả năng lao động, thẩm mỹ và tâm lý tốt cho nạn nhân hòa nhập cộng đồng.

Bác sĩ Nguyễn Kế Lạc cũng khuyến cáo, khi nạn nhân bị đứt lìa tay chân, cần bình tĩnh sơ cứu trước khi chuyển đến cơ sở y tế. Việc sơ cứu bao gồm dùng vải, gạc, băng sạch, vô trùng băng chặt vào phần tay chân còn lại để cầm máu, tránh dùng dây cao su buộc garô vì nếu để lâu có thể hoại tử tay chân. Phần tay chân bị đứt lìa cần rửa nước sạch, bọc bằng gạc vải ẩm bỏ vào một hoặc nhiều lần túi nilon buộc kín cho khỏi lọt nước rồi bỏ vào thùng đá lạnh để bảo quản được lâu khi vận chuyển xa./.