Theo thông báo của Bộ Y tế về tình hình bệnh sởi và các hoạt động phòng chống đến ngày 8/4, đa số bệnh nhân mắc sởi đều không được tiêm chủng hoặc không rõ về tình trạng tiêm chủng (87,6%). Chỉ có rất ít trẻ đã tiêm vaccine đủ mũi bị mắc bệnh (4,2%). 
Tại nhiều tỉnh, thành phố thuộc khu vực đồng bằng nơi có tỷ lệ tiêm chủng cao dịch xảy ra rải rác, điều này cho thấy việc tiêm vaccine phòng bệnh sởi đã đạt được hiệu quả tốt tạo được nền miễn dịch cao trong cộng đồng. Các trường hợp tử vong ở trẻ nhỏ mắc sởi phần lớn là do đồng nhiễm các virus khác hoặc có bệnh lý khác nhưng mắc thêm sởi, trong đó nguyên nhân tử vong chủ yếu là viêm phổi sau sởi liên quan đến giai đoạn chuyển mùa đông - xuân, khí hậu ở phía Bắc lạnh và ẩm các bệnh đường hô hấp phát triển mạnh trong khi đó nhiều bệnh viêm đường hô hấp cấp tính hoặc viêm phổi do virus, vi khuẩn hiện nay cũng không xác định được nguyên nhân. 
benh-soi-2.jpg
Bệnh nhi được điều trị tại BV Bạch Mai (Hà Nội)

Bộ Y tế cho biết, đến nay các địa phương đã triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch sởi, trong đó tại các tỉnh có ổ dịch tập trung tổ chức tiêm vaccine chống dịch cho các đối tượng có nguy cơ cao theo chỉ định của cơ quan y tế tại các tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Sơn La, Hà Giang với số lượng 190.464/205.404 trẻ đạt 92,7%. Toàn bộ 63/63 tỉnh, thành phố trên cả nước đồng loạt tổ chức thực hiện kế hoạch tiêm phòng chống dịch và tiêm vét vaccine sởi của Bộ Y tế với số đối tượng tiêm khoảng 710.000 trẻ (trong đó bao gồm 300.000 trẻ 9 tháng tuổi tiêm chủng thường xuyên tháng 3-4/2014, riêng thành phố Hồ Chí Minh thực hiện tiêm vét cho trẻ 9 tháng đến 3 tuổi). 53 tỉnh, thành phố đã triển khai tiêm vét trong tháng 3, trong đó có 41 tỉnh đã có báo cáo ban đầu với 222.000/504.000 trẻ được tiêm vét vaccine sởi đạt tỷ lệ 44%. Các tỉnh sẽ tiếp tục triển khai và hoàn thành tiêm vét trong tháng 4/2014.

Bộ Y tế nhận định, dịch bệnh sởi hiện nay có số mắc thấp hơn so với vụ dịch năm 2009-2010 và đang có dấu hiệu giảm hơn so với đầu năm 2014, đặc biệt sau khi các tỉnh, thành phố triển khai tiêm vét vaccine sởi và triển khai các biện pháp phòng chống. Dự kiến bệnh sởi sẽ được kiểm soát trong một vài tháng tới. Nhằm tăng cường triển khai các hoạt động phòng chống dịch sởi, quyết tâm kiểm soát tốt dịch bệnh sởi trong thời gian sớm nhất trên phạm vi cả nước, Bộ Y tế tiếp tục rà soát, đánh giá công tác phòng chống dịch bệnh sởi, đặc biệt là công tác triển khai kế hoạch tiêm vaccine phòng chống dịch sởi và tiêm vét vaccine sởi tại các địa phương.Bộ yêu cầu các Viện, Bệnh viện, các đơn vị thuộc Bộ Y tế phối hợp với các địa phương đẩy mạnh các hoạt động phòng chống dịch sởi trong thời gian tới, tập trung chỉ đạo quyết liệt các địa phương việc tiêm vaccine sởi và các vaccine khác trong chương trình tiêm chủng mở rộng; giao trách nhiệm cho các cơ quan liên quan trong việc rà soát, đôn đốc các đối tượng tiêm, tránh bỏ sót đối tượng tiêm chủng, đảm bảo an toàn tiêm chủng theo các quy định.

Chỉ đạo các cơ quan liên quan tăng cường đưa các thông điệp phòng chống bệnh sởi và các dịch bệnh khác trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đẩy mạnh công tác truyền thông trực tiếp tại cộng đồng thông qua hệ thống các tổ chức chính trị xã hội như hội liên hiệp phụ nữ, đoàn thanh niên và các tổ chức đoàn thể khác. Tăng cường tuyên truyền tới các bậc phụ huynh hiểu rõ tầm quan trọng của việc triển khai tiêm chủng các loại vaccine phòng bệnh và đưa con em mình đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch đặc biệt là tiêm vaccine phòng bệnh sởi.../.

Từ cuối năm 2013 và đầu năm 2014, trên thế giới đã ghi nhận 181.813 trường hợp mắc sởi, tập trung tại các khu vực Châu Phi (78.922 trường hợp), Tây Thái Bình Dương (37.989 trường hợp), Châu Âu (31.726 trường hợp). Riêng năm 2013, khu vực Tây Thái Bình Dương ghi nhận số mắc sởi cao gấp 3 lần so với năm 2012, đặc biệt tăng cao tại Trung Quốc, Nhật Bản, Philippines và Myanmar. 
Tại Việt Nam, từ đầu năm 2014 đến nay ghi nhận 6.611 sốt phát ban trong đó có 2.492 trường hợp được chẩn đoán xác định mắc bệnh sởi (bao gồm các trường hợp xét nghiệm dương tính và xác định dịch tễ học). Chưa phát hiện có sự biến đổi về gen và các týp vi rút sởi lưu hành tại Việt Nam, không có thay đổi về độc lực của các chủng vi rút sởi. 
Đến cuối tháng 3/2014, có 25 trường hợp tử vong do sởi, biến chứng của sởi được báo cáo. Các trường hợp tử vong do viêm phổi liên quan đến sởi hoặc biến chứng viêm phổi sau mắc sởi.