Lúc 13g30 trưa nay 26/6, thi thể bệnh nhân V.T. D.T. (35 tuổi, trú tại 19 Thái Phiên, phường Tây Lộc, TP Huế) đã được gia đình đưa từ Bệnh viện Trung ương Huế về nhà lo hậu sự.

Tại cuộc làm việc giữa lãnh đạo bệnh viện với người nhà vào trưa cùng ngày, bác sĩ Phan Đức Thị, người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân đã có lời xin lỗi người nhà. Lãnh đạo Bệnh viện Trung ương Huế cũng hứa sẽ kiểm thảo, nếu xác định có sai phạm sẽ xử lý.

Trước đó, ngày 4/6, bệnh nhân V.T. D.T. nhập viện khoa nội tim mạch thuộc Trung tâm tim mạch - Bệnh viện Trung ương Huế, trong tình trạng khó thở, hai chân phù nề. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị phù phổi nặng, gan to, suy tim giai đoạn 4, hẹp van tim hai lá…

Sau hai ngày điều trị tại bệnh viện, bệnh nhân dần hồi phục. Do bệnh viện đông bệnh nhân nên bệnh nhân này được phép về nhà nghỉ ngơi (dù vẫn điều trị nội trú), mỗi ngày hai lần sáng và chiều đến bệnh viện theo dõi và tiêm thuốc.

8g sáng 26/6, bệnh nhân đến bệnh viện tiêm thuốc. Sau khi tiêm 30 phút, bệnh nhân có biểu hiện tím môi, sùi bọt mép, người nhà gọi bác sĩ đến cấp cứu. Một y tá đã đã được điều đến cấp cứu nhưng tình trạng của bệnh nhân nguy cấp hơn, người nhà tiếp tục cầu cứu bác sĩ. Đến 11g15, bệnh nhân tử vong ngay tại khoa này. Bệnh viện xác định nguyên nhân tử vong do phù phổi cấp.

Bác sĩ Lê Thi Yến, trưởng khoa nội tim mạch cho biết tình trạng của bệnh nhân rất xấu. Trong đó, gan to 10cm dưới bờ sườn, hẹp rất khít van hai lá với diện tích 0,4cm2 (thông thường từ 4-6cm2), áp lực phổi là 105mmHg (thông thường dưới 25mmHg), và chỉ điểm về suy tim hơn 5.000BNP (thông thường là 300BNP)…

Bà Yến nói: “Với tình trạng hẹp khít van hai lá, suy tim nặng như vậy thì đột tử có thể xảy ra bất cứ lúc nào, không thể lường trước được. Lỗi của bệnh viện là không báo trước điều này cho người nhà”.

Được biết, khoa này đang lập hồ sơ để thay van tim cho bệnh nhân V.T. D.T., nhưng vì bệnh nhân suy tim nên chưa tiến hành phẫu thuật.

Về phản ánh của người nhà cho rằng bệnh viện tiêm nhầm thuốc làm bệnh nhân tử vong, bác sĩ Yến khẳng định đó là thuốc lợi tiểu nhằm giảm áp lực, hết phù nề, làm gan bệnh nhân nhỏ lại. Thế nhưng khi tiêm xong bệnh nhân không đi tiểu được, nên không qua khỏi.

Bác sĩ Nguyễn Tá Đông, phó khoa nội tim mạch, cho hay có thông tin người nhà cho bệnh nhân ăn yến để bồi bổ sức khỏe, Điều này nhiều khả năng làm tăng nhu cầu tiêu thụ oxi của cơ thể, trong điều kiện suy tim nặng, dẫn đến phù phổi cấp./.