Trao đổi với PV, anh Anh V., bố cháu bé cho biết, hiện cháu bé vẫn sinh hoạt cùng gia đình hết sức bình thường. Từ vụ hỏa hoạn lớn ngày 12/5 đến nay, thỉnh thoảng một số đồ vật nhỏ trong nhà cũng tự bốc cháy, nhưng không có gì nghiêm trọng vì gia đình anh luôn cảnh giác, đề phòng.Tuy nhiên, anh V. xác nhận, khi cháu thường xuyên di chuyển thì hiếm khi xảy ra cháy. Chỉ khi nào cháu đứng yên, hay ngồi một chỗ mới có đồ vật phát cháy. "Bằng chứng như khi cháu ngồi ăn cơm thì đệm cháy, hay lúc đi vệ sinh thì nắp bồn cầu bị cháy…", anh V. cho biết.

Hơn nữa, các đồ vật bị cháy thường làm bằng nhựa, cao su, vải. Ngay cả các vật dụng như xô, thau nhựa vợ chồng anh V. luôn hứng đầy nước để phòng khi cháy cũng... tự chảy nhão ra dần.“Có điều lạ lùng là không thấy các đồ vật bằng gỗ tự bốc cháy, mặc dù gỗ cũng rất dễ bị bắt lửa. Như hôm bị cháy chiếc tủ, tôi chạy lên lầu thấy quần áo trong tủ cháy trước, rồi lửa mới lan qua tủ. Những chiếc giường, bàn ghế gỗ cũng không cháy. Chỉ cháy chiếc ghế đệm xoay bằng nhựa, tấm nệm cao su đặt trên giường. Nên bây giờ vợ chồng tôi chỉ để lại 3 chiếc giường gỗ và ngủ bằng chiếu tre. Cho đến nay, vẫn chưa thấy đồ vật bằng gỗ nào tự phát cháy", anh V. kể. Ngay buổi sáng ngồi tiếp chuyện với phóng viên, anh V. cho biết, trước khi bé đi học, khi lên tầng thay quần áo thì chiếc quần soóc phơi ngoài sân thượng bốc cháy.Có nghĩa là, khi bé đứng ở một vị trí nào đó, những đồ vật vẫn có thể bị bốc cháy xuyên qua bức tường. Khoảng cách từ chỗ bé đứng với vị trí của những đồ vật bị bốc cháy trung bình khoảng 2,3m, có khi tới 10m.Chị H. mẹ bé, cho biết thêm, mỗi lúc đồ vật tự bốc cháy, người bé Th. hoàn toàn không phát ra tia lửa hay bất cứ biểu hiện gì lạ. Chị chỉ cảm thấy hơi nóng khi sờ vào da bé, nhiệt độ giống như người bị sốt chứ không phải nóng như lửa như người ta đồn.Khi được hỏi về việc gần đây, một số báo đưa tin có nhà khoa học nghi ngờ trường hợp con gái anh là không có thật, anh V. tỏ ra hết sức bình thản. Anh cho rằng: "Khi một việc kì lạ xảy ra tất nhiên có người sẽ tin hoặc không tin, nên nghi ngờ là quyền của dư luận, tôi hoàn toàn không trách cứ. Nhưng quan điểm của gia đình là luôn làm hết sức để bảo vệ con gái, nên những hình ảnh về cháu tôi xin phép không cung cấp và cũng không hề muốn bị rò rỉ ra ngoài để không làm ảnh hưởng đến việc học tập của bé".

Thường ngày bé Th. rất vô tư và hoạt bát, nên bé cũng không ngần ngại kể chuyện bị bạn bè trêu đùa về khả năng kì lạ. Khi anh V. hỏi bé có cảm giác thế nào, thì bé hồn nhiên đáp: "Con không sao, con thấy vui vui". Ngay lập tức, vợ chồng anh V. liền "đả thông tư tưởng" cho bé, vì lại sợ bé suy nghĩ lệch lạc về khả năng của mình.

Trước đó, trao đổi với PV, ông Dư Quang Châu, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Cảm xạ địa sinh học - Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng (TP HCM), khẳng định cháu Th. lanh lẹ, nghịch ngợm. Hơn nữa, quan sát vật dụng bị đốt cháy như ổ điện, quạt đứng, máy nước nóng, nệm…, tất cả đều nằm trong tầm tay của cháu.

Đối với nắp bồn cầu, nếu cháu T. có khả năng đốt cháy thì phải cháy từ trên xuống, đằng này lại cháy từ dưới lên. Với lại cháu T. luôn là người phát hiện ra cháy đầu tiên. “Xâu chuỗi những sự kiện trên, tôi cho rằng các vật dụng bị cháy là do cháu Th. đốt để thu hút mọi người quan tâm” - ông Châu nêu quan điểm.

Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, họ không thể kết luận vụ việc vì chưa được tận mắt chứng kiến cháu bé "làm" cho đồ vật phát cháy./.