Sẵn sàng phương án ứng phó, không chủ quan lơ là trong ứng phó trước, trong và sau bão. Đó là yêu cầu được đưa ra tại cuộc họp Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai.

bao_so_1_chieu_24_2_tgwv.jpg
Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng không chủ quan lơ là ứng phó trước trong và sau khi đổ bộ đất liền

Bão số 1 có diễn biến phức tạp, là cơn bão đầu mùa hình thành trên biển Đông đổ bộ vào đất liền nước ta. Trong đêm qua và rạng sáng nay, trước khi đổ bộ vào đất liền bão hầu như không di chuyển thay đổi cả về hướng đi và cường độ bão.

Ông Vũ Anh Tuấn, Trưởng phòng dự báo khí tượng ngắn hạn, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương lưu ý: gió sau bão sẽ mạnh hơn gió trước bão và có thể kéo dài đến hết đêm nay với khu vực ảnh hưởng từ Nam Định đến Quảng Ninh.

Đại diện Cục Kiểm ngư thông tin thêm về kêu gọi tàu thuyền trên biển

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Văn Thắng nêu rõ: Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương và các cơ quan thông tấn báo chí và Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo theo dõi chặt chẽ đường đi cập nhật kịp thời diễn biến bão để chính quyền các địa phương và người dân chủ động ứng phó.

“Đề nghị dự báo điểm bão cập bờ, thời gian và thông tin chi tiết cường độ gió mạnh lên sau khi bão đổ bộ đất liền, tránh tư tưởng chủ quan sau khi bão vào bờ người dân nghĩ rằng bão đã tan quay trở lại sản xuất và hoạt động bình thường là rất nguy hiểm. Thông tin rõ vùng mở rộng của bão đặc biệt là ở phía Nam. Cảnh báo nguy cơ sạt lở đất đặc biệt vùng khô hạn mưa mở rộng diện ảnh hưởng ở Bắc Trung bộ vừa qua nhiều vùng ở khu vực này bị hạn hán kéo dài rất dễ xảy ra lũ ống, lũ quét sạt lở đất” – Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng lưu ý.

Đến 6 giờ sáng nay (24/6) lực lượng Biên phòng các tỉnh, thành phố tuyến biển từ Quảng Ninh đến Bình Thuận phối hợp với địa phương, gia đình chủ tàu, thuyền trưởng thông báo, kiểm đếm và hướng dẫn gần 65 nghìn phương tiện, lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản, với khoảng 300 nghìn người và 2 nghìn lồng bè, lều canh chòi nuôi thủy sản với khoảng 4 nghìn 200 người biết diễn biến, hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh.

Thái Bình, Bắc Giang chủ động phòng chống bão số 1

Trước diễn biến phức tạp của bão số 1, đến thời điểm này công tác phòng chống bão số 1 đã được các địa phương cơ bản hoàn tất, tăng cường huy động các lực lượng ứng trực suốt ngày đêm nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do bão gây ra.

Theo báo cáo của Bộ Chỉ huy bộ đội Biên phòng tỉnh Thái Bình, đến thời điểm này, tỉnh đã liên lạc được 1.218 tàu, thuyền với 3.325 lao động. Trong đó trên 1.180 phương tiện với hơn 3.000 lao động đã vào bờ an toàn, 36 phương tiện hoạt động ngoài tỉnh và đã liên lạc được vào bờ. Riêng các lao động ngoài chòi ngao ở hai huyện ven biển là Tiền Hải và Thái Thụy, đến nay đã được di dời vào những nơi an toàn.

Ông Tô Xuân Thức, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình cho biết: “Suốt đêm qua, chúng tôi đã cho tất cả các lực lượng của các xã đi kiểm tra toàn tuyến đê ven biển để bảo đảm an toàn, ngăn cấm không cho ngư dân ra ngoài khu vực nuôi trồng thủy sản, các chòi canh ngao và các đầm nuôi trồng thủy sản ngoài đê. Tổ chức cho các xã ký cam kết rà soát từng hộ một để đảm bảo không cho dân ra ngoài đê, giũ an toàn tính mạng cho người dân. Đến thời điểm này, các tàu thuyền của các nơi trú tại bến của Tiền Hải đã được cột chặt tại các vị trí từ chiều qua”.

Đường đi của bão số 1

Trước những diễn biến phức tạp do bão số 1 gây ra, công tác phòng chống lụt bão đang được các địa phương trên địa bàn tỉnh Bắc Giang tích cực triển khai, chủ động đề phòng và sẵn sàng ứng phó kịp thời khi có tình huống bão lũ xảy ra. Theo ông Dương Ngô Mạnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Tân Yên, đến nay huyện chỉ đạo các xã trên địa bàn thường xuyên ứng trực suốt ngày đêm tại những nơi xung yếu, huy động các lực lượng chằng chống nhà cửa, tăng cường kiểm tra các hệ thống đê điều, hồ đập, khu vực nhà dân có nguy cơ bị ảnh hưởng do bão.

Ông Dương Ngô Mạnh nói: “Nguy cơ bị ảnh hưởng nhiều nhất là dọc tuyến đê sông Thương từ Việt Lập lên Yên Trung và Hợp Đức đang bị sạt lở 50m. UBND huyện chỉ đạo xã Hợp Đức cùng với các lực lượng chặt cây ven bờ chống sói lở, cắm biển báo để cảnh báo, báo cáo Sở Nông nghiệp làm các thủ tục ứng cứu nếu có”.