Trong cuộc sống có rất nhiều nguy cơ dẫn đến tai nạn thương tích. Có những tai nạn bất khả kháng, nhưng cũng có những tai nạn hoàn toàn có thể phòng tránh được một cách dễ dàng.

Ngày 5/2 vừa qua, ông Đặng Đình Đạt, ở huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định phải nhập Bệnh viện Việt Đức để mổ cấp cứu vì nuốt phải một chiếc tăm nhọn. Chiếc tăm dài 5 cm làm thủng đoạn đầu của ruột non và tạo nên một khối áp-xe trong ổ bụng, khiến ông Đạt liên tục bị đau bụng và sốt cao.

benh-nhan.jpg
Bệnh nhân Đặng Đình Đạt đã được mổ để lấy tăm trong ruột ra

Ông Đạt cho biết, do có thói quen ăn xong là ngậm tăm, cả khi đi ngủ, nên việc nuốt phải chiếc tăm lúc nào ông cũng không biết cho đến khi được các bác sỹ Khoa Phẫu thuật cấp cứu tiêu hóa, Bệnh viện Việt Đức mổ, gắp chiếc tăm ra.

Bác sỹ Dương Trọng Hiền, Phó trưởng Khoa Phẫu thuật cấp cứu tiêu hóa, Bệnh viện Việt Đức cho biết, thời gian gần đây, Khoa đã phẫu thuật cấp cứu cho nhiều trường hợp tương tự, trong đó có trường hợp tổn thương ruột do nuốt phải cây kim.

Bệnh viện Nhi Trung ương và nhiều bệnh viện khác từng phẫu thuật cho nhiều bệnh nhi nuốt phải dị vật như tăm, nút chai, đồ chơi, tiền xu... Đặc biệt ngày càng nhiều trẻ em chưa kịp nhập viện đã tử vong vì hóc, nghẹn khi ăn thạch rau câu. Những tai nạn kiểu này đều bắt nguồn từ sự chủ quan của nhiều người.

Theo bác sỹ Dương Trọng Hiền, điều này hoàn toàn có thể phòng tránh được một cách dễ dàng: “Ở nước ngoài, họ quy định có những đồ chơi không dành cho trẻ dưới 3 tuổi, hoặc như đồ chơi được thiết kế những lỗ thủng để khi trẻ em có nuốt phải thì vẫn có chỗ để không khí đi qua. Tuy nhiên, chúng ta phải lưu ý không cho trẻ chơi những đồ vật không đúng lứa tuổi và với người già đôi khi trí nhớ giảm sút cũng phải lưu ý, đặc biệt đối với những người mắc bệnh alzheimer”./.