Anh Cường là công nhân của Xí nghiệp sản xuất ăng-ten, còn chị Hiệp là công nhân Công ty Môi trường đô thị Hà Nội. Con lớn của họ là Nguyễn Xuân Trường, hiện là sinh viên năm thứ nhất, Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội.

Năm 2005, chị Hiệp sinh đứa con trai thứ hai (Nguyễn Xuân Thành) ở tuổi 42. Thật không may, Thành mắc hội chứng down (thiểu năng trí tuệ). Được 10 tháng tuổi, Thành lại bị viêm màng não mủ. Bệnh viện đã cứu sống được cháu, nhưng di chứng của bệnh viêm màng não mủ để lại rất nặng nề. Do não bị teo, không thể điều khiển các hoạt động của cơ thể nên Thành không có khả năng sinh hoạt như người bình thường. Thành bị một số di chứng như rung giật nhãn cầu (2 mắt luôn giật); co giật theo cơn động kinh; xung lực cơ chân (2 chân cứng, duỗi thẳng, không co được) và đại tiểu tiện khó, khó thở, đờm ứ lại ở thanh quản và phổi (các bác sĩ chẩn đoán cháu bị “trắng” một bên phổi do đờm quá nhiều). Do sức khoẻ quá yếu, nên Thành liên tục phải đi bệnh viện, mỗi tháng nằm viện từ 7 – 10 ngày, có những đợt điều trị kéo dài 2 – 3 tháng trời…

Khi Thành tròn 2 tuổi, đến lượt anh Cường đổ bệnh, chân teo lại và đau nhức từ cổ tới chân. Đi khám được bác sĩ cho biết, anh bị bệnh thoát vị đĩa đệm cột sống, chèn tuỷ kèm theo bệnh lao cột sống. Chưa lo được cho con, chị Hiệp lại chạy vạy vay mượn khắp nơi để chữa bệnh cho chồng. Chị đưa anh đi hết từ Bệnh viện Việt Đức, đến Viện 108, Viện 103. Sau đó, anh Cường được tiến hành mổ lấy vi trùng lao và cấy ghép mô tế bào với chi phí hàng chục triệu đồng, nhưng tình trạng bệnh tật vẫn không thuyên giảm, bệnh lao xương giờ phát triển thành ung thư xương. Khiến anh Cường nằm liệt giường, chịu những cơn đau xương tê buốt hành hạ. Hàng ngày, nằm giường bên này nhìn sang đứa con trai giờ đã lên 3 bị liệt não nằm bất động một chỗ, anh Cường thỉnh thoảng lại kêu thét lên một cách bất lực…

Tất cả gánh nặng gia đình giờ dồn cả lên vai chị Hiệp. Những người hàng xóm cho biết, họ dường như chẳng thấy chị Hiệp ngủ. Ngày chị phải chăm lo cho chồng, cho con, đêm đêm phải vật lộn với hàng đống rác mà thiên hạ xả ra đường. Cũng may, Công ty Môi trường đô thị Hà Nội thông cảm, nên đã để cho chị làm hoàn toàn vào ca đêm từ 6 giờ tối đến 1 giờ sáng. Mặc dù công việc vất vả, nhưng tổng thu nhập hàng tháng của chị Hiệp cũng chỉ được 1,4 triệu đồng/tháng.

Thấy mẹ quá vất vả, Trường – con trai chị đã làm đơn xin lưu ban. Nhưng chị Hiệp quyết không đồng ý. Chị bảo, “con là niềm hy vọng của bố mẹ và em, con phải học hành nên người để sau này còn lo cho em và đỡ đần bố mẹ. Chỉ khi nào mẹ chết, thì con mới được bỏ học. Còn sống được ngày nào, mẹ sẽ lo cho con ngày đó!”.

Mặc dù thiếu thốn đủ bề nhưng kết quả học tập của Trường rất tốt. Ngoài thời gian đi học, Trường còn giúp mẹ đỡ đần chăm sóc bố và em; rồi đi làm gia sư, đi tiếp thị bán hàng để kiếm tiền phụ giúp thêm mẹ.

Mọi sự trợ giúp gia đình chị Hiệp, xin bạn đọc liên hệ: chị Ngô Thị Bích Hiệp  ở P5 A4, tập thể Văn Chương, Đống Đa, Hà Nội./.