Tương truyền, đền Cả được khởi dựng từ đời Lý, trùng tu, mở rộng vào thời hậu Lê để thờ Uy minh vương Lý Nhật Quang và các vị phúc thần, danh tướng, những người có công “bảo quốc hộ dân”. Đền Cả có nhiều hạng mục như tam quan, nghi môn, tả vu, hữu vu, bái đường, thượng điện. Trong đó nghi môn là công trình độc đáo nhất. Ảnh: Huy Thư |
Từ ngoài đi vào, nghi môn là công trình thứ 2, đứng sau tam quan. Nghi môn đền Cả uy nghi tráng lệ kiểu lầu gác cung đình. Đây là một ngôi nhà có 4 cột (vuông), 2 tầng, 8 mái với các đầu đao cong vút. Ảnh: Huy Thư. |
Theo các tài liệu, nghi môn đền Cả là nơi các vị chức sắc hương hào, trưởng lão nghỉ ngơi và tịnh túc trước khi vào đền tế thần và là nơi hát xướng, diễn tuồng khi có lễ hội, nên dân gian thường gọi là lầu ca vũ. Trong ảnh: Mặt trước nghi môn - lầu ca vũ. Ảnh: Huy Thư. |
Công trình này có hình dạng như Khuê Văn Các tại Văn miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội). Tầng dưới nghi môn để trống, tầng trên có 4 cửa thông ra 4 hướng và thông xuống tầng dưới bằng một lỗ cửa của ván trần. Ảnh: Huy Thư. |
Trên các đường kẻ, đường xà... của nghi môn đều được điêu khắc chạm trổ hình "tứ linh, tứ quý" với đường nét sống động, uyển chuyển. Ảnh: Huy Thư |
Cận cảnh một mảng điêu khắc mềm mại trên nghi môn đền Cả. Ảnh: Huy Thư |
Sau những lần trùng tu, tôn tạo, đền Cả dường như vẫn lưu giữ được vẻ đẹp kiến trúc cổ kính nguyên sơ. Trong ảnh: Nhà hạ điện của đền Cả. Ảnh: Huy Thư |
Ngoài kiến trúc độc đáo và nghệ thuật điêu khắc trên gỗ đặc sắc, đền Cả còn lưu giữ được hệ thống hiện vật cổ, quý. Hiện đền còn giữ được 4 đạo sắc, trong đó có 1 sắc phong năm Vĩnh Khánh (niên đại gần 300 năm), 1 sắc phong niên hiệu Cảnh Thịnh thời Tây Sơn, 2 sắc phong thời Nguyễn. Đặc biệt, tại đền còn có những pho tượng được tạc khắc trên chất liệu gỗ, đá với hình thù khác lạ. Ảnh: Huy Thư |
Trước cổng đền Cả còn có tấm bia cổ kích thước lớn. Theo cụ thủ từ của đền, nội dung văn bia phản ánh truyền thống hiếu học cũng như việc xây dựng các công trình văn hóa của làng xưa như đền, chùa... Ảnh: Huy Thư |
Sau nhiều thế kỷ tồn tại, đền Cả không chỉ là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh, thể hiện truyền thống "Uống nước nhớ nguồn" của người dân địa phương, mà còn là chứng tích của nhiều sự kiện lịch sử. Trong phong trào Cần Vương chống Pháp, khu vực đền Cả là cơ sở hoạt động của nghĩa quân Nguyễn Xuân Ôn, Lê Doãn Nhã. Đây cũng là cơ sở hoạt động bí mật của các chiến sỹ cách mạng và là địa điểm cất giấu vũ khí, lương thực của quân ta trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Đền Cả đã được công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp Quốc gia năm 2012. Ảnh: Huy Thư |