Ngày 6/6, Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc (MIIT) đã cấp giấy phép cung cấp mạng 5G thương mại cho 3 nhà mạng di động và Công ty mạng phát thanh truyền hình của nước này, đẩy nhanh hơn so với kế hoạch ban đầu là vào năm 2020.
Ba nhà mạng được cấp phép gồm China Telecom, China Mobil và China Unicom. Đáng chú ý, bên cạnh các nhà mạng viễn thông, còn có Công ty mạng phát thanh truyền hình, đơn vị phụ trách nghiệp vụ mạng truyền hình cáp trên cả nước Trung Quốc. Với giấy phép này, Công ty sẽ có thể triển khai các dịch vụ truyền hình độ nét cao hay thực tế ảo, cung cấp các dịch vụ phát thanh truyền hình thông minh... thậm chí cả dịch vụ thành phố thông minh xã hội hóa.
Trung Quốc chính thức cấp phép thương mại hóa mạng 5G. (Ảnh: mạng Sohu) |
Báo cáo của Viện nghiên cứu thông tin truyền thông Trung Quốc dự báo, giai đoạn 2020-2025, việc khai thác thương mại 5G sẽ trực tiếp đem lại hơn 10.000 tỷ NDT (khoảng 1.500-1.600 tỷ USD) tổng sản lượng kinh tế và tạo thêm hơn 3 triệu vị trí việc làm cho Trung Quốc.
"Việc cấp giấy phép một mặt giúp thúc đẩy chuỗi công nghiệp 5G thông qua xây dựng mạng 5G, gồm phát triển ngành chế tạo và dịch vụ, quan trọng hơn là kéo theo sự nâng cấp chuyển đổi của cả nền kinh tế, bởi 5G cũng là hạ tầng kinh tế xã hội. Đặc biệt là sự kết hợp 5G với các ngành nghề khác, như công nghiệp, giao thông, nông nghiệp, sẽ giúp tích hợp ứng dụng 5G. Việc cấp phép vào thời điểm này cũng nhằm nắm bắt cơ hội mới cho phát triển kinh tế số", bà Vương Chí Cần, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu thông tin truyền thông Trung Quốc cho biết.
Được biết, sau khi có mạng 5G, mạng 4G vẫn sẽ tiếp tục được sử dụng trong thời gian dài ở Trung Quốc. Trong giai đoạn đầu, các nhà mạng nước này sẽ triển khai thí điểm ứng dụng dịch vụ 5G tại 40 thành phố lớn trên toàn quốc, trong đó có Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu....
Theo các chuyên gia, việc phủ sóng toàn bộ mạng 5G ở Trung Quốc sẽ mất từ 1-3 năm./.